Thứ năm, ngày 09/01/2025

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển

Thứ sáu, 18/09/2020 13:43 GMT+7

Sáng 18/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe báo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BGTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng tham dự cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao nỗ lực xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT trong thời gian qua của Cục Hàng hải VN và các cơ quan trực thuộc Bộ. Thông tư ban hành sẽ có tác dụng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy Bộ GTVT rất quan tâm và muốn lắng nghe ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc tăng giá bốc xếp là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, tạo nền tảng để doanh nghiệp cảng biển kinh doanh có lãi, từ đó tích lũy được nguồn lực để tải đầu tư hệ thống hạ tầng, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

“Tuy nhiên, để Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018 đạt được sự đồng thuận cao từ Chính phủ và các đơn vị, doanh nghiệp, Cục Hàng hải VN khẩn trương báo cáo giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển của tất cả các nước trong khu vực. Trong đó làm rõ một số yếu tố như: mức giá tại các nước đang dao động ở mức nào? Các quốc gia đang thu phí xếp dỡ tại cảng biển của các hãng tàu ra sao? Dựa trên kinh nghiệm đó để xây dựng phương án quản lý giá dịch vụ cảng biển tại Việt Nam”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam cũng phải rà soát lại tất cả các loại phí hãng tàu đang thu của chủ hàng, cộng tổng phí của từng loại container xem có hợp lý hay không. Theo Bộ trưởng, cơ quan, đơn vị xây dựng dự thảo phải đặt ra trường hợp giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được điều chỉnh tăng, liệu các hãng tàu có tăng phí bốc xếp (THC) đối với chủ hàng? Biện pháp nào khống chế được việc tăng phí THC vô tội vạ của các hãng tàu? Trường hợp Việt Nam đã có cơ sở pháp luật để quản lý vấn đề đó thì cần triển khai như thế nào đảm bảo hiệu quả. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì hàng hóa lại chịu thêm phí, đồng nghĩa chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề để đảm bảo sức cạnh tranh cho hàng hóa. 

Liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, giá cầu bến, phao neo tại một số khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các cơ quan liên quan phải giải trình rõ sẽ tăng mức nào, tại sao áp dụng mức tăng đó ở thời điểm này mà không phải là môt mức tăng khác để báo cáo, minh bạch với Ban Chỉ đạo điều hành giá.

“Với ý nghĩa có thể tác động lớn đến nền kinh tế trong điều kiện kinh tế đang gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên cơ sở đề xuất, xây dựng dự thảo, Bộ GTVT sẽ đăng ký làm việc, báo cáo Chính phủ để tiếp nhận ý kiến chỉ đạo trước khi ký ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018”, Bộ trưởng nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng đề nghị đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế đối với vận tải thủy nội địa. “Chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao hiện nay phương tiện thủy nội địa chưa thực sự phát triển? Có phải do giá vận tải, giá xếp dỡ trong dịch vụ vận tải thủy quá thấp nên không thu hút được đầu tư? Vì vậy, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ chi phí vận tải đường thủy nội địa liệu có thể tăng giá được không, tăng ở mức nào để người vận chuyển phải sống được và Việt Nam có thể thu hút đầu tư được chuỗi cảng thủy nội địa chất lượng, thu hút hàng hóa từ đường bộ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng tăng giá bốc xếp là hoàn toàn hợp lý và cần thiết,
để doanh nghiệp cảng biển kinh doanh có lãi, tích lũy được nguồn lực để tái đầu tư hệ thống hạ tầng

Trước đó,  Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính, gồm: giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải; giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ bốc dỡ container và giá dịch vụ lai dắt.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc báo cáo những vấn đề chính của Dự thảo Thông tư sửa đổi

Trong đó, đối với khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ tuyến dẫn tàu tại khu vực Vân Phong, Ba Ngòi (Khánh Hòa), Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh); cảng dầu khí ngoài khơi, giàn khoan dầu khí.

Đối với dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo sẽ giữ nguyên mức giá tối thiểu, điều chỉnh mức giá tối đa sử dụng dịch vụ cầu, bến đối với tàu, thuyền hoạt động nội địa từ 15 đồng/GT/giờ lên 19 đồng/GT/giờ; điều chỉnh giảm giá tối thiểu, giữ nguyên giá tối đa dịch vụ sử dụng phao neo (với cả tàu nội địa và quốc tế); Đồng thời bổ sung khung giá đối với hành khách thông qua tại cảng chuyên dụng.

Về khung giá dịch vụ bốc dỡ container, khung giá nội địa sẽ tăng khoảng 12% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nội địa khu vực 1,2,3. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1/1/2022. Đối với khung giá dịch vụ container xuất nhập khẩu (XNK), tại khu vực 1, giá dịch vụ bốc dỡ tối thiểu (không áp dụng với cảng Lạch Huyện) dự kiến tăng 10%/năm trong ba năm 2021, 2022 và 2023. Giá tối thiểu bốc dỡ container XNK khu vực 2 dự kiến điều chỉnh tăng 10%/năm trong hai năm 2020 và 2023. Tại khu vực 3, giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container XNK (không bao gồm khu vực Cái Mép - Thị Vải) dự kiến tăng 10% trong hai năm 2023 và 2023. Đối với khu vực cảng Lạch Huyện: dự thảo đề xuất tăng giá bốc dỡ container XNK theo lộ trình 10%/năm trong hai năm 2022 và 2023. Khu vực Cái Mép - Thị Vải, mức giá bốc dỡ container XNK được dự kiến tăng 10% năm 2021 và 10% năm 2023.

H.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)