Thứ năm, ngày 16/01/2025

Giải pháp an toàn giao thông cho Quốc lộ 27C

Thứ năm, 24/09/2020 10:38 GMT+7

Nhằm khắc phục những bất cập trong nhiều năm qua, đặc biệt là tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão, cơ quan quản lý đường bộ đã đề xuất nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt).

Thường xuyên sạt lở, mất an toàn

Quốc lộ 27C qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài gần 65km, nối 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, được đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác từ năm 2009. Năm 2015, tuyến đường này được UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, bảo trì và khai thác.

Thi công kè rọ đá bảo đảm an toàn taluy dương Quốc lộ 27C.

Ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, những năm qua, do thời tiết diễn biến phức tạp cộng với địa hình đồi núi khiến tuyến Quốc lộ 27C thường xuyên bị sạt lở cục bộ vào mùa mưa. Đất, đá từ mái taluy dương sạt lở xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Qua thống kê và theo dõi, Quốc lộ 27C qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 15 vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở đất, trong đó có 5 vị trí đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra sạt lở với khối lượng lớn, có nguy cơ mất ATGT cao. Báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 cũng cho biết, từ năm 2015 đến năm 2019, tuy đã được ưu tiên đầu tư, bổ sung hệ thống cảnh báo để nâng cao ATGT, nhưng trên tuyến đã xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 32 người chết và 42 người bị thương, làm hư hỏng nhiều phương tiện, tường phòng hộ, hộ lan.

Lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cho rằng, nguyên nhân của tình trạng mất ATGT trên Quốc lộ 27C là do hệ thống ATGT chưa được đầu tư, cải tạo và đồng bộ, phù hợp với quy chuẩn. Đồng thời, đoạn đường đèo Khánh Lê với chiều dài 31km đi qua khu vực đồi núi hiểm trở, một bên núi cao, một bên vực sâu, độ dốc dọc một chiều lớn và kết hợp nhiều đường cong bán kính nhỏ ngược chiều liên tục; nhiều trường hợp lái xe lạ đường (kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc quanh co còn hạn chế, chủ yếu các xe đường dài), khi xảy ra tai nạn thường là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của.

Ưu tiên 4 nhóm giải pháp

Đơn vị tư vấn đã đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm ATGT gồm: Tăng cường hệ thống ATGT nhằm hướng dẫn, cảnh báo nâng cao ATGT, hạn chế ngăn ngừa các vụ TNGT thảm khốc do xe lao xuống vực; sửa chữa, bổ sung một số kết cấu hạ tầng đường bộ; ngăn ngừa nguy cơ đá rơi, sạt lở taluy dương, taluy âm; công tác phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để bảo đảm trật tự ATGT. Với 4 nhóm giải pháp này, đơn vị tư vấn dự tính kinh phí thực hiện khoảng 330 tỷ đồng.

Sau khi cân nhắc, thẩm tra, Cục Quản lý đường bộ III đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên đầu tư xử lý tăng cường ATGT tại các vị trí có nguy cơ mất ATGT cao nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là du khách nước ngoài tham gia giao thông trên tuyến.

Theo đề xuất, cơ quan quản lý đường bộ sẽ sửa chữa, tăng cường hệ thống ATGT đoạn từ Km0 - Km34+163. Nhà thầu tổ chức sửa chữa, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ đúng quy chuẩn, kết hợp tăng cường, gia cố hệ thống phòng hộ, cảnh báo tại các vị trí taluy âm, cải tạo 10 đường cong bán kính nhỏ liên tục, khuất tầm nhìn. Đối với đoạn Km34+163 - Km65+453, nhà thầu tăng cường, gia cố hệ thống phòng hộ, cảnh báo tại các vị trí taluy âm. Cùng với đó, đơn vị quản lý đường bộ đề xuất mở rộng mặt đường, bạt mái taluy cải tạo tầm nhìn tại 19 đường cong nguy hiểm, xây dựng 4 điểm dừng chân, cải tạo 4 đường cứu nạn và xây dựng 1 đường cứu nạn mới, 7 hốc cứu hỏa... Tổng kinh phí cho nhóm giải pháp ưu tiên nói trên theo đề xuất của Cục Quản lý đường bộ III khoảng 110 tỷ đồng. 

 Với những giải pháp có tính căn cơ, hy vọng những năm tới, Quốc lộ 27C sẽ khắc phục được nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT.

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa: Năm 2019, Cục Quản lý đường bộ III đã đầu tư Dự án Xử lý 10 điểm mất ATGT do bị sạt lở, sụt lún và 1 điểm đen tại Km44+720 trên Quốc lộ 27C. Thực hiện dự án này, các nhà thầu đang triển khai thi công. Công tác bảo đảm ATGT trên tuyến nhìn chung được đảm bảo. Tuy nhiên, đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công vị trí điểm đen; bổ sung thêm hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo ban đêm; có giải pháp xử lý gia cố vách taluy để chống sạt lở, đá rơi; có 2 vị trí nguy cơ mất ATGT cao (Km42+850 và Km51+800 trên vách taluy còn một số tảng đá lớn có nguy cơ sạt lở cao, cần phải có biện pháp xử lý ngay); tại Km51+630 nền đường đã bị sụt lún, khe nứt rộng khoảng 10cm, chiều dài khoảng 20m, cần phải sửa trước mùa mưa.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)