Lực lượng CSGT Công an TX.Tân Uyên vận động tài xế container nghiêm chỉnh chấp hành
Luật Giao thông đường bộ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông
Mở rộng các tuyến đường
Nói đến điểm “nóng” và thực trạng kẹt xe thì đường Huỳnh Văn Cù đến cầu Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Để hạn chế tình trạng ùn tắc, ngành chức năng đã khảo sát lắp đặt biển báo, hệ thống tín hiệu đèn giao thông tại một số vị trí trọng điểm của tuyến đường này và cắt cử lực lượng cơ sở thực hiện đứng chốt điều tiết, phân luồng giao thông. Tuy nhiên, theo người dân những cách làm trên chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.
Anh Nguyễn Thiết Sơn, chủ một quán cà phê cho hay, tuyến đường này có quãng đường di chuyển chỉ khoảng 2km, thế nhưng bề ngang đường còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại; cộng thêm một vài vị trí ôm cua, dốc khiến việc di chuyển mất nhiều thời gian, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, gây ra cảnh kẹt xe, ùn tắc. “Để hạn chế kẹt xe, về lâu dài rất cần ngành chức năng xem xét nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đường này để có thêm làn xe chạy, giúp giao thông được thông suốt”, anh Sơn đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Từ ý kiến của cử tri phản ánh tình trạng kẹt xe trên đường Huỳnh Văn Cù, các địa phương nằm dọc tuyến đường này đã cùng nhau phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Thủ Dầu Một, Công an tỉnh lập nhiều chốt điều tiết, phân luồng giao thông. Chính quyền địa phương tiếp tục kiến nghị đến ngành chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc mở rộng đường”.
Tương tự, đường ĐT747, đoạn qua chợ Chí Hùng, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên cũng chung cảnh ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm. Hiện khu vực này đang tồn tại nút thắt cổ chai, mặt đường hẹp, nhưng rất nhiều ô tô tải từ nhiều hướng đổ dồn về; đặc biệt là giờ tan học và tan ca đã tạo ra điểm “nóng” kẹt xe. Anh Tăng Văn Kha (ngụ phường Thái Hòa), cho biết: “Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên có mặt điều tiết giao thông ở nhiều điểm giao cắt trên đường ĐT747, đoạn qua phường Thái Hòa vào các giờ cao điểm, nhưng do lượng phương tiện đông, đặc biệt vào giờ tan tầm, người lao động của các công ty, học sinh tan học ra về cùng lúc đã khiến giao thông kẹt cứng, việc di chuyển rất khó khăn.
Để cải thiện giao thông, ngoài việc mở rộng tuyến đường, các trường học, công ty, doanh nghiệp cũng cần phải điều chỉnh lại giờ làm, giờ nghỉ; điết tiết lượng người tham gia giao thông ngay từ gốc mới kéo giảm được kẹt xe, ùn tắc giao thông tại đây”.
Triển khai thu phí không dừng
Bà Bùi Thị Hồng, Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, cho rằng: “Trong khi chờ ngành chức năng giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực chợ Chí Hùng, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng TX.Tân Uyên lập các chốt phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông hạn chế đi vào điểm kẹt xe, tìm đường nhánh để tiếp tục di chuyển. Ngoài ra, địa phương ghi nhận vào buổi chiều lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn đi qua trạm thu phí rất dễ gây kẹt xe. Trong trường hợp ùn tắc kéo dài rất cần sự phối hợp của đơn vị thu phí xả trạm, tạm ngưng thu phí để giải phóng phương tiện, hạn chế tình trạng kẹt xe dài nhiều giờ”.
Theo ghi nhận của PV, vào trưa 10/11, trước tình trạng xe ô tô nối đuôi nhau trên tuyến ĐT747 có nguy cơ ùn tắc, trạm thu phí trên tuyến đường này đã xả cửa. Trước đó, tại cuộc họp do Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức nhằm đánh giá tình hình giao thông những tháng đầu năm và đề ra phương hướng trong những tháng cuối năm, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên đã nêu lên thực trạng kẹt xe ở tuyến đường này. Theo ông Tươi, có lúc vào giờ cao điểm, khi nhận được thông tin kẹt xe trên tuyến đường này, đích thân ông gọi điện thoại cho người có thẩm quyền yêu cầu xả trạm thu phí. Địa phương cũng có tờ trình UBND tỉnh về việc mở rộng tuyến đường này nhằm hạn chế kẹt xe.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo UBND TX.Tân Uyên đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm hạn chế nạn kẹt xe. Theo đó cần nhanh chóng triển khai thu phí không dừng; tăng cường giao dịch qua mạng, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, đầu tư thêm xe buýt công cộng để giảm số lượng xe cá nhân tham gia giao thông; cần thiết có kênh thông tin để người dân biết mà tránh vào các đoạn đường đang bị ùn tắc... Cũng theo ông Đoàn Hồng Tươi, về lâu dài, cần bố trí ngân sách để mở mới, nâng cấp các tuyến đường. Tại các nút giao thông trọng điểm cần có hầm chui, cầu vượt để phân luồng xe...
Trong khi đó bà Nguyễn Thu Cúc, quyền Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết trước tình hình giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, Ban An toàn giao thông thành phố đã chỉ đạo công an địa phương triển khai kế hoạch phòng chống đua xe trái phép và xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đến nay, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Về tình hình kẹt xe, bà Cúc nêu ở TP.Thủ Dầu Một có tuyến Huỳnh Văn Cù và phía trước một số trường học, đặc biệt là vào giờ tan tầm. Vì thế địa phương kiến nghị mở rộng đường Huỳnh Văn Cù. Nếu chưa mở rộng được thì phải có giải pháp xả trạm khi lượng xe ùn ứ quá lớn, phối hợp lực lượng công an điều tiết kịp thời; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường; thành phố vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng các “Tuyến phố văn minh” để mỗi người dân cùng chung tay xây dựng đường thông, hè thoáng góp phần hạn chế nạn kẹt xe...
Trang bị hệ thống camera hỗ trợ xử lý giao thông
Bà Nguyễn Thu Cúc, quyền Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết thành phố đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng trung tâm điều hành an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 35 camera được gắn ở 11 khu vực trọng điểm để ghi hình, từ đó có thể cung cấp hình ảnh giúp cho việc phạt nguội các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, góp phần kéo giảm vi phạm.
Thực tế thời gian qua mô hình này ở một số địa phương đã phát huy được hiệu quả. Cụ thể, tại huyện Dầu Tiếng đến nay đã lắp đặt được 32 camera tại các giao lộ trọng điểm. Hệ thống “mắt thần” này sẽ theo dõi 24/24 hoạt động các phương tiện giao thông và cung cấp dữ liệu cần thiết để làm căn cứ xử lý các trường hợp xe chở quá khổ, quá tải. Sau thời gian hoạt động, đến nay hệ thống camera này đã cung cấp các dữ liệu cần thiết để làm căn cứ xử lý chở quá khổ, quá tải gần 60 trường hợp với số tiền trên 150 triệu đồng; giúp công an huyện tìm ra lỗi người vi phạm trong 5 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người... Dự kiến từ nay đến cuối năm, công an huyện Dầu Tiếng tiếp tục tham mưu UBND huyện lắp đặt thêm 10 camera ở các giao lộ trọng điểm.