Thứ tư, ngày 08/01/2025

Đà Nẵng: Đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT giai đoạn 2020 - 2025

Thứ tư, 23/12/2020 13:17 GMT+7

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký ban hành Kế hoạch số 8360/KH-UBND ngày 17/12/2020 triển khai Đề án tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ảnh minh họa

Đề án nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền an toàn giao thông; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường, những người quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải tại địa phương.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% báo địa phương có chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia; 80% hệ thống thông tin cơ sở tại quận, huyện tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác. Đồng thời, 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục  pháp luật về an toàn giao thông, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe.

Đối tượng tuyên truyền gồm: nhóm cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành, quận, huyện; hóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và vùng nông thôn; nhóm đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; các ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng và cài quai đúng cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là các quận trung tâm thành phố, tập trung đông dân cư.

Trong an toàn giao thông đường thủy, thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho phương tiện, người tham gia giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt quan tâm hoạt động vận chuyển khách; các quy định liên quan trách nhiệm chủ phương tiện, nguời lái phương tiện, thuyền viên làm việc trên phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.

Tiếp tục tuyên truyền quy tắc an toàn giao thông đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thanh chắn ngang đường sắt, đèn báo hiệu tại các điểm nút giao. Tuyên truyền để người dân không buôn bán, họp chợ, phơi nông sản, lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt, mở các lôi đi đường ngang tự phát. Tuyên truyền về văn hóa giao thông hàng không; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ có liên quan; hình thức xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm an toàn hàng không.

Ngoài ra, tập trung tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; tuyên truyền tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Đồng thời, có trách nhiệm trong việc phát ngôn, chủ động và tích cực phối hợp cung cấp thông tin với báo chí khách quan, thẳng thắn, minh bạch để báo chí có thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là các vấn đề nóng được dư luận quan tâm liên quan đến an toàn giao thông.

Là cơ quan chủ trì xây dựng Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia; đổi mới cách thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, định hướng thông tin phù hợp.

UBND thành phố giao Ban An toàn giao thông thành phố định hướng nhiệm vụ và xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia để các sở, ban, ngành, quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia; phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan đến chính sách, quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề lồng ghép trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, học viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, đăng tải trên website, phát thanh nội bộ và tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, cổ động trực quan, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng; tuyên truyền vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng đề nghị các cơ quan báo chí địa phương tăng thời lượng và dung lượng đưa tin về các quy định về an toàn giao thông; tinh thần nhân văn của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính nghiêm minh của pháp luật cũng như kết quả xử lý vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, tạo niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ.

Nguồn: Cổng TTĐT Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)