Thứ bảy, ngày 19/04/2025

Nghệ An phát triển vững chắc giao thông nông thôn miền núi

Thứ hai, 14/12/2009 07:35 GMT+7
Các quy hoạch, đề án, dự án giao thông miền núi được phê duyệt đang tiếp tục triển khai và phấn đấu trong vài năm tới sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Giao thông đã đưa lại bộ mặt mới cho miền núi, góp phần rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu vực miền núi nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Các quy hoạch, đề án, dự án giao thông miền núi được phê duyệt đang tiếp tục triển khai và phấn đấu trong vài năm tới sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Giao thông đã đưa lại bộ mặt mới cho miền núi, góp phần rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu vực miền núi nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Chiếm trên 84% diện tích, 42% dân số cả tỉnh, có thể nói, vùng miền núi nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ở tỉnh ta có vị trí rất quan trọng về chính trị, quốc phòng-an ninh đối với cả tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Đây cũng là vùng trọng điểm các nguyên liệu nông, lâm, khoáng sản; tiềm năng về đất đai, vốn rừng; tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa tộc người đa dạng và phong phú. Thế nhưng các tiềm năng, thế mạnh đó được khai thác và sử dụng như thế nào vẫn là một câu hỏi đặt ra hàng ngày, hàng giờ, nhất là qua thống kê tỷ lệ đói nghèo ở đây đang còn rất cao, bình quân chung của 11 huyện, thị xã là 27,38% (riêng 3 huyện vùng cao biên giới: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong là từ 50% đến trên 60%). Nguyên nhân rất nhiều, trong đó khó khăn về địa hình, về giao thông là vấn đề cản trở rất lớn cho sự phát triển.    

Giao thông - vận tải là nền tảng phát triển; giao thông đến đâu thì dân sinh phát triển đến đó. Nhận thức được điều đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung rất lớn cho việc củng cố, xây dựng hệ thống giao thông miền núi. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường nguyên liệu và giao thông nông thôn đã được quy hoạch và xác định cụ thể về lộ trình thực hiện; yêu cầu mở tuyến mới, nâng cấp, mở rộng.... Sở Giao thông - Vận tải tích cực tham mưu cho tỉnh và tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thu hút được nhiều dự án đầu tư cho giao thông miền núi.    

Hầu hết các công trình thi công ở địa bàn khu vực miền núi đều là những tuyến đường có độ dài khá lớn, kỹ thuật thi công phức tạp, như Quốc lộ 48 kéo dài, từ thị trấn Kim Sơn đi Phú Phương đến của khẩu Thông Thụ của Quế Phong (điểm giáp tỉnh Thanh Hóa) dài 56 km; Quốc lộ 46 từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Thanh Thủy, Quốc lộ 48 mở rộng đoạn thị trấn, nâng cấp Quốc lộ 7,.... Đặc biệt, có nhiều tuyến đường mở mới 70-80%, như tuyến đường Tây Nghệ An, điểm đầu từ Bản Pảng, xã Đồng Văn của Quế Phong (giáp Thanh Hóa) đến điểm cuối là Mường Xén (Kỳ Sơn), dài 167 km; các tuyến đường nối các huyện Tây Nghê An, như đường Châu Thôn (Quế Phong) - Tân Xuân (Tân Kỳ), dài 107 km; đường nối Quốc lộ 7 (Tam Quang - Tương Dương) với Quốc lộ 8 (Ngã ba Săng Lẻ - Quỳ Hợp) dài 123 km. Ngoài ra, các nguồn vốn của tỉnh, của huyện và các nguồn khác cũng đã tập trung triển khai các tuyến đường ra biên giới, gồm tuyến Mường Típ - Na Ngoi - Khe Kiền, dài 105 km; tuyến Châu Kim - Nậm Giải, dài 28 km; tuyến Kẻ Bọn - Châu Phong, dài 25 km; tuyến Vẽ - Yên Tĩnh - Hữu Khuông, dài 70 km; đường vào trung tâm 18 xã chưa có đường ô tô; các tuyến đường vùng nguyên liệu; đường giao thông nông thôn.... Tổng mức đầu tư cho các dự án giao thông miền núi là 9.698 tỷ đồng. Bằng sự nỗ lực lớn, đến nay đã có nhiều công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra bức tranh tươi sáng cho miền Tây Nghệ An. Các tuyến đường Tây Nghệ An giai đoạn 1, đoạn từ xã Đồng Văn đến Tri Lễ (Quế Phong); đường Châu Thôn (Quế Phong) - Tân Xuân (Tân Kỳ), giai đoạn 1 từ Châu Thôn (Quế Phong) đến Châu Hồng (Quỳ Hợp); đường nối Quốc lộ 7 với Quốc lộ 48, giai đoạn 1 từ xã Tam Quang (Tương Dương) đến xã Châu Quang (Quỳ Hợp), đến nay cơ bản đã hoàn thành với tổng chiều dài hơn 200 km (đang chuẩn bị các bước để khởi công giai đoạn 2 những đoạn còn lại của các tuyến đường này vào đầu năm 2010). Hơn 300 km đường phục vụ cho an ninh quốc phòng gắn phát triển kinh tế; trên 500 km đường giao thông nông thôn được mở mới. Nhiều tuyến tỉnh lộ, đường vùng nguyên liệu được nâng cấp, mở rộng; hoàn thành 14 tuyến đường vào trung tâm xã chưa có đường ô tô (hiện còn 4 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm); xây dựng được 8 cầu treo ở những bến đò xung yếu, độc đạo... Có đường, đồng bào các huyện miền Tây có điều kiện giao lưu văn hóa - kinh tế, góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện điều kiện kinh tế, chăm sóc sức khỏe. Có đường tạo thuận lợi trong việc tuần tra biên giới, trao đổi kinh nghiệm và hợp đồng tác chiến giữa các địa phương, đơn vị, góp phần tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Có thể nói, các quy hoạch, đề án, dự án giao thông miền núi được phê duyệt đang tiếp tục triển khai và phấn đấu trong vài năm tới sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Giao thông đã đưa lại bộ mặt mới cho miền núi, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu vực miền núi nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, để miền núi thực sự phát triển một cách bền vững, ngoài đầu tư phát triển hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, thiết nghĩ cần quan tâm chăm lo công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; nâng cao dân trí, nâng cao trình độ sản xuất; khắc phục và đẩy lùi các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị - quốc phòng an ninh... Giải quyết được các vấn đề nêu trên, chắc chắn bộ mặt vùng miền núi Nghệ An sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa kinh tế - xã hội cả tỉnh phát triển lên một tầm cao mới.    

BNA

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)