Thứ bảy, ngày 28/12/2024

Cần tuyên truyền bảo đảm ATGT cho học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện

Thứ ba, 02/03/2021 15:20 GMT+7

Học sinh THCS được đi xe đạp điện, học sinh THPT được đi xe máy điện, song nhiều em điều khiển các phương tiện này không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.

Để bảo đảm an toàn giao thông, học sinh cần tuân thủ các quy định
về an toàn giao thông khi đi xe máy điện, xe đạp điện trên đường phố

Nguy hiểm rình rập

Hiện nay, nhiều gia đình mua xe đạp điện, xe máy điện cho con tự đến trường. Tuy nhiên, nhiều học sinh bất chấp nguy hiểm khi tham gia giao thông, thường xuyên điều khiển xe đi với tốc độ cao. Các em còn chạy lấn làn, đi sai làn đường, không giảm tốc độ khi qua nơi giao nhau... Trong khi đó, theo thiết kế, xe máy điện chạy không có tiếng nổ như xe máy có động cơ nên người dân không thể chủ động để tránh, dễ gây va chạm.

Chị Xuân Hạnh (ngụ phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, chị rất sợ khi thấy học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông bởi nhiều lần các em vượt trước đầu ô tô, rẽ bất ngờ mà không xin đường. Tương tự, chị Hà My (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) quyết định đưa đón con hằng ngày chứ không để con tự đến trường, sau khi chứng kiến nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, không dừng đèn đỏ, không giảm tốc độ khi đến các đoạn đường đông, lạng lách, chở ba...

Thực tế, những năm qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đối với học sinh. Khi cơ quan công an điều tra thì đa phần lỗi thuộc về người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng không chú ý quan sát.  Mới đây, vào đầu năm 2021, xảy ra vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy điện của 2 em học sinh THCS với xe tải, khiến 1 học sinh tử vong tại chỗ, 1 em bị thương nặng tại địa bàn quận Cẩm Lệ. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay có rất nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường. Học sinh THPT đủ điều kiện đi xe máy điện theo quy định của pháp luật, riêng học sinh THCS đi xe đạp điện vẫn còn khá nhập nhằng. Bởi trên thực tế đó là xe đạp, nhưng lại chạy bằng điện nên rất khó xử lý. “Xe điện hiện nay vẫn được coi là xe thô sơ, khi tai nạn giao thông xảy ra, thương vong và hậu quả thường thuộc về những trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm, dẫn đến những tai nạn thương tâm xảy ra, Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa. Trong đó, thường xuyên cử cán bộ của đơn vị đến các trường nói chuyện, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trong buổi chào cờ đầu tuần; chú trọng nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn giao thông. Cạnh đó, chỉ đạo Đội Tuần tra - Dẫn đoàn triển khai tuần tra, xử lý theo quy định.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố có gần 100 trường THCS, THPT, trường liên cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hầu hết các trường đều có học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường. Để giảm thiểu tai nạn xảy ra đối với học sinh, nâng cao ý thức của các em khi tham giao thông, Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các trường học tích cực tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho học sinh bằng nhiều hình thức: Hình ảnh thực tế, tọa đàm, tiểu phẩm, giao lưu, trao đổi... Nhiều trường còn tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Sở GD&ĐT cũng thường xuyên phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố, Công ty Honda Việt Nam tổ chức trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh; tổ chức các cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” nhằm nâng cao văn hóa giao thông trong học đường. Tuy nhiên, theo ông Vương, tất cả những biện pháp trên vẫn chưa đủ. Gia đình cần giám sát, nhắc nhở con em về ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, không mua xe máy điện cho con khi chưa đủ tuổi quy định. Các em được phép đi các phương tiện này thì phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ.

Do học sinh điều khiển xe đạp điện thuộc phương tiện giao thông thô sơ nên các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 8, NĐ100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Theo đó, phạt từ 80.000-100.000 đồng đối với người điều khiển vi phạm một trong các hành vi sau: Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định, dừng xe đột ngột, chuyển hướng không báo hiệu.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)