Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Hà Nội: Cần hỗ trợ kịp thời cho xe buýt

Thứ tư, 16/06/2021 09:08 GMT+7

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô càng thêm khó khăn, điêu đứng. Sản lượng hành khách sụt giảm dẫn tới tần suất hoạt động trên toàn mạng lưới buýt phải cắt giảm...

Các doanh nghiệp đang mong đợi Chính phủ, thành phố kịp thời có giải pháp hỗ trợ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Rất nhiều lượt xe buýt vắng khách nhưng phụ xe
và hành khách chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang

Sản lượng hành khách, doanh thu đều sụt giảm

Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã tiếp tục khiến cho hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng điêu đứng.

Là hành khách thường xuyên di chuyển bằng vé tháng trên tuyến buýt số 01 (Bến xe Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa), bà Nguyễn Thị Loan (phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ, nếu như trước khi có dịch, tuyến buýt 01 thường xuyên đông khách thì những ngày này, lượng khách đi xe vắng hẳn. Có những lượt xe chỉ có 3-4 khách... Dù hành khách và nhân viên lái, phụ xe đều chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang và ngồi giãn cách trong suốt hành trình nhưng nhiều người đã hạn chế những chuyến đi không thực sự cần thiết.

Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 5/2021, sản lượng hành khách đi lại trên tuyến 01 chỉ đạt 23,7% so với tháng 4/2021. Nhiều tuyến khác, sản lượng hành khách trong tháng 5/2021 cũng chỉ dao động ở mức 23-29% so với tháng trước đó. Thậm chí tuyến 52A (Công viên Thống Nhất - Lệ Chi) chỉ đạt 16,1%...

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt đã giảm rất nhiều từ sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho thấy, sản lượng hành khách đi xe buýt trợ giá trong tháng 5/2021 chỉ đạt 14,5 triệu lượt người (giảm 37,9% so với sản lượng tháng 4/2021 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Sản lượng hành khách sụt giảm dẫn tới doanh thu của các đơn vị xe buýt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình là Transerco, đơn vị chủ lực đang nắm giữ trên 80% thị phần xe buýt Thủ đô, doanh thu vé lượt tháng 5-2021 chỉ đạt 23% so với kế hoạch và doanh thu của tổng công ty trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 115 tỷ đồng, chỉ bằng 50% so với dự toán đấu thầu.

Cần sớm có các giải pháp hỗ trợ

Trong bối cảnh xe buýt giảm tần suất hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải duy trì chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động và đóng phí bảo trì đường bộ đầy đủ cho phương tiện theo quy định. Hơn nữa, doanh nghiệp còn phát sinh chi phí phục vụ phòng, chống dịch (như phun khử khuẩn phương tiện, bố trí khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên xe…).

Ngoài ra, hiện thành phố có hơn 8.000 lái xe, nhân viên phục vụ trên 1.800 xe buýt. Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng, có người cung cấp các dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch...

“Là ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu, “xương sống” của hệ thống vận tải hành khách của Thủ đô, mỗi ngày phục vụ hàng triệu lượt khách, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng nên lái xe, nhân viên không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố cần xem xét ưu tiên tiêm phòng để người lao động yên tâm làm việc, đồng thời bảo đảm an toàn cho cộng đồng và hàng triệu hành khách sử dụng xe buýt” - ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội (HAPTA) kiến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Thông, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, HAPTA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, như giảm từ 3% đến 5% lãi suất cho vay; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cần xem xét cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được ngừng đóng bảo hiểm xã hội, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.

Đồng thuận với những kiến nghị của HAPTA, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam cho hay, Transerco cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về doanh thu hụt so với hồ sơ thầu do các nguyên nhân khách quan; kiến nghị thành phố báo cáo Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp và được miễn, giảm việc đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện vận tải…

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trước tình hình trên, trước mắt thành phố đã điều chỉnh giảm tần suất và lượt phương tiện hoạt động trên 118 tuyến buýt có trợ giá. Về kiến nghị của doanh nghiệp, các ngành chức năng đã tổng hợp, báo cáo thành phố tiếp tục xem xét, giải quyết./.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)