Thứ sáu, ngày 10/01/2025

“Cổng một cửa” gỡ khó thuyền viên mắc kẹt mùa Covid-19

Thứ ba, 29/06/2021 08:41 GMT+7

Dù là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi luân chuyển hàng hóa XNK quốc gia nhưng thuyền viên Việt Nam vẫn khó đủ đường trong mùa dịch...

Hơn hai năm qua, công tác thay thế thuyền viên Việt Nam
vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, chi phí - Ảnh minh họa

Mất hàng triệu đô để thay thế thuyền viên

Cục Hàng hải VN vừa tổ chức hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn về vấn đề thay thế thuyền viên và ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho thuyền viên Việt Nam”. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày thuyền viên thế giới (25/6).

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, tác động mạnh mẽ vào kinh tế toàn cầu, nhiều cảng tại châu Âu, Mỹ phải đóng cửa, tàu phải chờ hàng tháng mới có thể vào làm hàng. Song, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia duy trì hoạt động cảng biển tốt nhất, không có tình trạng chậm trễ lưu thông, hàng hóa vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.

“Theo thống kê của các cảng vụ tại một số khu vực cảng các chủ tàu thường thay thế thuyền viên, từ đầu năm 2021 đến nay, khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh và Long An có 1.265 thuyền viên được thay thế, khu vực cảng Quảng Ninh là 880 thuyền viên.

Riêng tại khu vực cảng biển Vũng Tàu, từ tháng 3/2020 đến nay có 3.451 thuyền viên được thay thế”, ông Nguyễn Hà Hải, Phó Trưởng phụ trách Văn phòng thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam.

Thế nhưng, vị lãnh đạo này không khỏi lo lắng chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào khi nhiều thuyền viên Việt Nam đang mang tâm lý chán nản do quá hạn hợp đồng và đối diện nguy cơ nhiễm bệnh do chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

“Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, thuyền viên từ chối đi tàu, hàng hóa làm ra sẽ xuất đi đâu? Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất sẽ như thế nào?”, ông Giang đặt vấn đề.

Theo báo cáo của các cảng vụ hàng hải, hiệp hội, doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có hơn 1.500 thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài cần hỗ trợ hồi hương.

Một lượng lớn thuyền viên đang làm việc ở nước ngoài trên 12 tháng. Một số thuyền viên có thời gian trên tàu đã lên tới 16 - 18 tháng trong khi theo quy định tại Công ước MLC 2006, thời gian làm việc trên tàu của thuyền viên chỉ từ 8 - 12 tháng. Cuộc sống quanh quẩn trong không gian chật chội trên tàu đã khiến không ít người rơi vào trầm cảm.

Ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyến bay thương mại bị dừng, chuyến bay giải cứu rất khó sắp xếp thời gian phù hợp với lịch tàu, các chủ tàu thường phải chọn giải pháp bất đắc dĩ cho tàu chạy về Việt Nam chỉ để thay thế thuyền viên.

“Từ thời điểm Covid-19 xuất hiện đến cuối năm 2020, công ty đã điều động 29 lượt tàu với 313 thuyền viên được thay thế ở cảng biển Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, số thuyền viên được thay thế là 180 người trên 11 lượt tàu.

Tuy nhiên, với chi phí hàng triệu đô (có chuyến đến gần 3 triệu USD) cho các chuyến tàu “không hàng”, doanh nghiệp vận tải biển mong muốn cơ quan nhà nước sẽ có sự điều chỉnh giảm phí hàng hải cho các tàu đưa thuyền viên về thay thế để giảm gánh nặng tài chính cho chủ tàu”, ông Dương nói.

Theo ông Đặng Hồng Trường, Phó TGĐ Công ty Vận tải biển VN (Vosco), vướng mắc trong việc thay thế thuyền viên hiện không chỉ thiếu chỗ cách ly tập trung mà có nơi như Bà Rịa - Vũng Tàu chi phí cách ly tại khách sạn đang qua cao, từ 3,5 - 4 triệu/người/ngày, áp lực tài chính với chủ tàu là vô cùng lớn.

“Khát” vaccine

Ông Nguyễn Văn Thư, cố vấn Công ty TNHH Đào tạo Nguồn nhân lực UT-STC cho biết, hiện tại, dù các tổ chức quốc tế IMO và ILO đã khuyến nghị các quốc gia thành viên công nhận thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt nhưng vấn đề này vẫn chưa được Việt Nam công nhận. Người đi biển vẫn chưa được hưởng bất cứ ưu tiên nào trong hỗ trợ nghề nghiệp, tiêm vaccine phòng Covid-19.

Một lãnh đạo Công ty CP Vận tải biển và xuất khẩu Lao động (Isalco) bày tỏ: Chúng ta không so sánh vai trò tuyến đầu của ngành Y tế và đội ngũ y bác sỹ hoặc các lực lượng tuyến đầu khác. Nhưng cũng phải nhìn nhận lại vai trò của ngành hàng hải, chiếm đến 90% tỷ trọng vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Gần đây nhất, một loạt các công nhân trong các khu công nghiệp hoặc các giáo viên, ngành điện,… đã được lên danh sách hoặc ưu tiên tiêm vaccine nhưng tuyệt nhiên chưa có bất cứ một văn bản hoặc chỉ thị nào chỉ định đối tượng ưu tiên của hàng hải, dù số lượng thuyền viên không nhiều.

“Trên cơ sở khuyến khích các quốc gia thành viên ưu tiên tiêm vaccine cho thuyền viên của IMO, cơ quan chức năng Việt Nam cần xem xét, coi nghề đi biển trực tiếp là thuyền viên là đối tượng ưu tiên trong việc tiêm phòng dịch bệnh, tạo ra bong bóng an toàn cho việc thay thế thuyền viên từ nhà tới tàu và ngược lại”, vị này kiến nghị.

Hình thành “cổng một cửa” gỡ khó cho thuyền viên

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ sự khâm phục với sự lao động quên mình của thuyền viên Việt Nam, đồng thời, ghi nhận hàng hải hiện đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong duy trì “dòng chảy” hàng hóa, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” phát triển kinh tế đất nước trong đại dịch.

“Trên cơ sở đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh ủng hộ việc đưa lực lượng lao động hàng hải là một trong những nhóm được ưu tiên tiêm vaccine. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vaccine còn hạn chế, công tác tiêm chủng vẫn phải được ưu tiên đúng đối tượng, trọng tâm là những người ở tuyến đầu, tuyến tiếp giáp chống dịch. Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT theo dõi, cập nhật tình hình, cố gắng ưu tiên nguồn lực để giúp các đối tượng, trong đó có thuyền viên được tiêm vaccine, góp phần duy trì sự phát triển KT-XH”, ông Khuê nói.

Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, thời gian tới, Cục Hàng hải sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét, có ý kiến với các cấp có thẩm quyền xem xét đưa thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ hồi hương.

Đồng thời, kiến nghị UBND các địa phương mở rộng khu cách ly, tạo điều kiện cách ly thuyền viên với chi phí phù hợp; Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư liên quan đến việc thu phí tàu, thuyền khi thay thế thuyền viên.

“Đặc biệt, Cục Hàng hải VN sẽ kiến nghị thiết lập một tổ công tác tác tháo gỡ tất cả các khó khăn liên quan đến thuyền viên, tạo “cổng một cửa” cho thuyền viên, trợ giúp thuyền viên giải quyết các vưỡng mắc đề hồi hương trong thời gian sớm nhất”, ông Giang nói và đề nghị các doanh nghiệp cùng vào cuộc, chủ động liên lạc với các tỉnh/thành để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho thuyền viên.

Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải, vừa qua, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất Tổng thư ký IMO đề nghị các quốc gia đưa thuyền viên vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine không kể quốc tịch.

“Việt Nam mong muốn IMO sẽ tiếp tục có ý kiến với các quốc gia hiện nay đang sở hữu/sản xuất được vaccine có ưu tiên cho các quốc gia biển như Việt Nam được tiếp cận về nguồn cung vaccine thuận lợi”, ông Giang đề xuất.

“Việc gia hạn online ở nước ngoài hiện rất khó do các quy định liên quan đến an ninh. Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cần nghiên cứu tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục khi thuyền viên vào bờ ở nước ngoài, làm việc với các Đại sứ quán và cấp hộ chiếu tạm để thuyền viên có thể mua vé máy bay hồi hương thuận lợi.

Cùng đó, đặc thù của nghề đi biển là không thể liên lạc với bờ, không thể truy cập internet trong thời gian lênh đênh trên biển để cập nhật thông tin. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cũng cần có thông báo rộng rãi hoặc giữ tỷ lệ ghế nhất định trên chuyến bay hồi hương để ưu tiên cho thuyền viên, tạo thuận lợi cho công tác thay thế thuyền viên, duy trì các chuỗi vận tải”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN đề nghị.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)