Volkswagen đang thử nghiệm dịch vụ chia sẻ xe tự lái tại Hamburg (Đức)
tiến tới chuyển đổi sang vận hành tự động vào năm 2025
Ngoài xe điện, xe tự động lái đang được nhận định là tương lai của ngành giao thông đường bộ. Trong năm 2020, thị trường xe tự lái đã đạt giá trị 20,97 tỷ USD, dự kiến tăng lên 37 tỷ USD trong năm 2023.
Để đón đầu thị trường béo bở này, ba quốc gia hàng đầu là Đức, Mỹ và Trung Quốc đã xây dựng khung pháp lý, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, đưa xe tự lái vào thực tiễn.
Đức: Xe tự lái vẫn được giám sát từ xa
Tháng 5 vừa qua, Quốc hội Đức đã thông qua dự thảo luật mới về xe tự động lái và đang chờ Tổng thống Đức ký ban hành chính thức.
Một số nét chính trong dự thảo luật đó là, xe tự lái vẫn phải vận hành dưới sự giám sát từ xa của con người, hoạt động trong khu vực được định sẵn, được cơ quan chức năng phê duyệt.
Đáng chú ý, luật mới cho phép đơn vị quản lý có thể kiểm soát cùng lúc nhiều xe tự lái từ xa, hạn chế việc phải có một giám sát viên ở trực tiếp trên từng xe. Trong trường hợp bất thường, kỹ thuật viên có thể can thiệp từ xa.
Bên cạnh đó, chính quyền Đức cũng sẽ cho phép xe buýt tự lái phục vụ ở các khu vực nông thôn, nơi phương tiện giao thông công cộng còn khan hiếm.
Một số dịch vụ tự động khác được đưa vào dự luật như dịch vụ đỗ xe, robot giao hàng tự động. Các phương tiện tự lái có thể được sử dụng để vận tải nhân viên, hàng hóa trong khuôn viên nhà máy hoặc chở sinh viên bên trong trường đại học.
Về mặt kỹ thuật, luật mới mở cửa với xe tự động đến mức 4, tạo không gian để khuyến khích các công ty sáng tạo công nghệ.
Ông Christian Senger, Phó chủ tịch Điều hành cấp cao phòng phương tiện thương mại, chịu trách nhiệm xe tự lái của Volkswagen cho rằng: “Với luật mới, phương tiện tự lái bước đầu có thể hoạt động tại Đức. Đó là điều mà không chỉ hãng xe Volkswagen mà cả các đơn vị khác trên thị trường đều mong đợi”.
Thực tế, dự luật của Đức trao cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô của Đức để chạy đua thiết kế xe tự lái trên nhiều lĩnh vực.
Nếu thương mại hóa công nghệ tự lái ở các lĩnh vực chở hàng hay trong lĩnh vực chia sẻ xe thành công, họ sẽ thu thập được lượng lớn dữ liệu, từ đó cải thiện, tăng cường công nghệ. Khi có lợi nhuận, các hãng ô tô có đà để phát triển mạnh công nghệ tự lái hoàn toàn.
Hiện tại, nhiều công ty công nghệ như Waymo hoặc nhà sản xuất ô tô Toyota đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ tự lái nhưng vẫn chưa nhìn thấy lợi nhuận. Năm ngoái, Uber mới bán những chiếc xe tự lái đầu tiên sau khi đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Mỹ: Quản lý phân mảnh theo từng bang
Tại Mỹ, chính phủ nước này đã công bố hướng dẫn về xe tự lái nhưng những nỗ lực xây dựng quy định bắt buộc, áp dụng trên tất cả 50 bang vẫn còn bị kẹt tại Quốc hội vì nhiều bất đồng.
Hiện tại, các bang California, Arizona, Michigan và Pennsylvania được đánh giá là những địa phương đi đầu trong thiết lập khung pháp lý đối với công nghệ tự lái.
Một số bang khác đã khuyến khích nghiên cứu xe tự lái điển hình như Arizona đang cho phép hãng Waymo triển khai taxi tự lái tại thành phố Phoenix.
Nhưng 10 bang như New Jersey, Rhode Island và Maryland chưa ban hành luật hoặc công bố sắc lệnh để quản lý xe tự lái. Một số bang khác có quy định nhưng chưa theo khung nhất quán.
Tờ New York Times dẫn lời Elliot Katz, Giám đốc điều hành Phantom Auto, công ty có trụ sở tại bang California cung cấp phần mềm giám sát và kiểm soát phương tiện từ xa cho rằng: “Việc Mỹ chưa có quy định liên bang về quản lý xe tự lái là vấn đề lớn vì bản chất của việc lái xe đòi hỏi phải di chuyển xuyên các bang”.
Chính vì sự thiếu đồng bộ này nên nhiều chuyên gia như ông Raj Rajkumar, người đứng đầu chương trình tự lái tại Đại học Carnegie Mellon tại bang Pittsburgh cảnh báo, Trung Quốc có thể nhanh chóng đi đầu về mặt pháp lý trên đường đua xe tự lái quốc tế.
Trung Quốc: Quy định thử nghiệm chặt chẽ
Tại Trung Quốc, từ tháng 3/2021, Bộ Công an nước này đã công bố dự thảo bổ sung Luật An toàn giao thông đường bộ. Trong đó, Bộ Công an Trung Quốc đề xuất cho phép thử nghiệm xe tự động lái theo thời gian, địa điểm, tuyến được định sẵn, tuân thủ quy định pháp luật.
Sau đó, các phương tiện này phải vượt qua các bài thử nghiệm trên đường, đại lộ giới hạn và được cấp biển số xe tạm thời. Khi vượt qua thử nghiệm trên đường bộ, phương tiện có chức năng tự lái có thể được sản xuất, nhập khẩu và bán theo quy định và pháp luật liên quan.
Về quy định trách nhiệm khi xảy ra vi phạm hoặc tai nạn, Bộ Công an đề xuất, với những phương tiện có cả tính năng lái tự động và trực tiếp, trách nhiệm sẽ được quyết định giữa lái xe hoặc đơn vị phát triển hệ thống tự lái, tùy theo từng trường hợp, luật pháp cũng như mức độ thiệt hại.
Tuy quy định về thử nghiệm và sản xuất xe tự lái có phần dày dặn nhưng các điều khoản về trách nhiệm của xe tự lái vẫn tương đối đơn giản, chưa rõ ràng và cần tiếp tục phải phát triển thêm, theo đánh giá của một số chuyên gia.
5 cấp độ của xe tự lái
Theo Hiệp hội Kỹ sư ô tô (Society of Automotive Engineers - SAE), xe tự lái được chia làm 5 cấp độ:
Cấp độ 0: Hệ thống đưa ra cảnh báo nhưng không có kiểm soát phương tiện.
Cấp độ 1: Hệ thống sẽ hỗ trợ người lái để điều khiển tốc độ (ACC), hỗ trợ giữ làn hay tính năng phanh khẩn cấp.
Cấp độ 2: Hệ thống tự động kiểm soát hoàn toàn phương tiện: Tăng tốc, phanh, và lái. Vẫn cần người giám sát, can thiệp khi xe phản ứng sai
Cấp độ 3: Đây là cấp độ tự động có điều kiện. Xe có thể tự lái từ đầu đến cuối nhưng trong điều kiện nhất định.
Cấp độ 4: Xe gần như hoàn toàn tự động. Người lái có thể đi ngủ hoặc rời khỏi ghế lái. Nếu có vấn đề gì xe sẽ dừng lại. Nhưng vẫn còn rào cản như bị giới hạn về không gian, tốc độ, môi trường nhất định.
Cấp độ 5: Hoạt động hoàn toàn tự động không cần sự can thiệp của con người. Hoạt động trên mọi con đường khắp thế giới, quanh năm và với mọi điều kiện thời tiết.