Điều này khiến cho Uông Bí trở thành một trong những địa phương có nguy cơ cao về xâm nhập mầm bệnh Covid-19 qua đường sông. Nhằm giữ vững địa bàn an toàn, thành phố cùng với các doanh nghiệp liên quan đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại cảng, bến thủy nội địa.
Với nhiệm vụ được giao là thực hiện vận chuyển toàn bộ số than thành phẩm do các đơn vị thuộc TKV đóng tại các địa phương phía Tây của tỉnh khai thác được, năm 2021 theo kế hoạch Công ty Kho vận Đá Bạc Uông Bí sẽ tổ chức thu mua 10 triệu tấn than và tiêu thụ trên 11 triệu tấn than. Số lượng than tiêu thụ sẽ được hệ thống băng tải vận chuyển ra cảng Điền Công (phường Quang Trung) và bến Cân (phường Mạo Khê, TX Đông Triều). Trong đó, việc giao nhận than với các phương tiện thủy được thực hiện chủ yếu ở khu vực cảng Điền Công. Trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 80 tàu vào nhận, trả hàng tại khu vực này.
Công ty Kho vận Đá Bạc phối hợp với Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho
cán bộ, công nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.
Số lượng thuyền viên đi theo các tàu hàng này là khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mầm bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn, do đó từ rất sớm, Công ty đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Trong đó, có những giải pháp cụ thể quy định cho 2 khu vực này như: Thành lập các chốt phòng dịch tại cổng ra vào các cảng; những trường hợp có biểu hiện ho, sốt, có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc với những người ở vùng dịch, đến và đi từ vùng có dịch sẽ không được vào cảng; các phương tiện thủy di chuyển từ các cảng, địa phương khác đến khu vực cảng sẽ phải thực hiện neo đậu theo hướng dẫn của cơ quan Cảng vụ; các phương tiện đến nhận, trả hàng chỉ được bố trí duy nhất 1 người (thuyền trưởng, thuyền phó) hoặc người được ủy quyền làm thủ tục đối với phương tiện vào rời cảng; các thuyền viên không được lên khu vực cảng trong suốt thời gian phương tiện nhận, trả hàng.
Cùng với các quy định cụ thể trong công tác phòng chống dịch, để đảm bảo không bị động, bất ngờ trước các tình huống phát sinh, Công ty cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể cho trường hợp có người nhiễm Covid-19 khi phương tiện đang neo đậu tại cảng chờ rót hàng.
Còn tại Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (phường Phương Nam), theo kế hoạch, trong 2 triệu tấn xi măng và clinker được tiêu thụ có tới 60% lượng xi măng và clinker được tổ chức vận chuyển qua đường thủy tại cảng Lam Thạch. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Số lượng cán bộ công nhân lên tới 600 người, địa bàn sản xuất kinh doanh tiếp giáp với TP Hải Phòng và có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu nên công tác phòng chống dịch được Công ty xác định là nhiệm vụ ưu tiên số 1, đặc biệt là tại khu vực cảng xuất, nhập hàng, nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Để đảm bảo ngăn chặn, kiểm soát triệt để các mầm bệnh đến từ đường sông, Công ty đã yêu cầu các tàu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành trong nước vào cảng phải khai báo chi tiết về lịch trình di chuyển, yếu tố dịch tễ, số lượng thuyền viên và không để thuyền viên lên bờ. Đồng thời, bố trí điểm tiếp nhận khai báo y tế độc lập, bố trí một trạm làm thủ tục cho các phương tiện thủy có đầy đủ cán bộ các phòng ban liên quan với cách thức vận hành tương tự như mô hình “một cửa” để giải quyết các thủ tục giao, nhận hàng trong thời gian nhanh nhất, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, nhân viên của cảng với các chủ tàu và thủy thủ, thuyền viên.
Tại các cảng, bến thuỷ nội địa của thành phố, các phương tiện đến nhận, trả hàng chỉ được bố trí duy nhất
1 người vào làm thủ tục giao nhận hàng.
Công ty cũng bố trí lực lượng bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng, không để các chủ tàu, thủy thủ, thuyền viên rời tàu. Trong trường hợp các tàu có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm và các dịch vụ nhu yếu phẩm trong thời gian chờ giao, nhận hàng hóa, Công ty sẽ có bộ phận tiếp nhận thông tin và hỗ trợ việc mua lương thực. Hàng tuần, triển khai thực hiện xét nghiệm 20% ngẫu nhiên cho lực lượng làm việc tại các cảng.
Tương tự, tại Công ty TNHH Thành Đạt Uông Bí do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng tại bến Thành Đạt (phường Phương Nam) bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này chỉ có 3 tàu cát vào làm hàng. Tuy nhiên, các quy định trong công tác phòng chống dịch vẫn luôn được đơn vị tuân thủ nghiêm túc. Ngoài thực hiện các biện pháp 5K, xét nghiệm ngẫu nhiên cho nhân viên, Công ty cũng yêu cầu các thuyền viên trên tàu không được vào bờ, cung cấp bản khai y tế chi tiết của từng thuyền viên và các cảng gần nhất tàu ghé qua. Khi đảm bảo an toàn mới được đi vào làm hàng.
Cùng với các phương án, quy định phòng chống dịch của doanh nghiệp, lãnh đạo TP Uông Bí cũng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra quy trình giao nhận hàng tại các cảng, bến thủy nội địa. Trong đó chú trọng việc doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ người ra, vào cảng, quản lý thuyền viên; yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định về 5K, không cho thuyền viên lên bờ trong quá trình làm hàng, nếu có lên bờ thì đều ở khu cách ly riêng.
Đối với tuyến sông Đá Bạc, thành phố có 2 bến thuyền ở phường Yên Thanh, phường Phương Nam và một số cửa cống là nơi có thể cập thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các phường liên quan quản lý chặt chẽ, giao khu phố chịu trách nhiệm thường xuyên, phối hợp kiểm tra, yêu cầu các chủ thầu ký cam kết thực hiện nghiêm ngặt quy định kiểm soát người dưới sông, xem xét lại quyền lợi nếu vi phạm.
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Bí thư Thành ủy TP Uông Bí, cho biết: Do có sự chuẩn bị chu đáo, nhận diện trước các nguy cơ và sự tuân thủ nghiêm túc của các doanh nghiệp, nên tuyến đường sông trên địa bàn thành phố tương đối an toàn, các điểm tiếp cận được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên thành phố sẽ không chủ quan mà sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, chú ý các tuyến sông đi sâu vào nội địa như: Sông Uông, sông Sinh, sông Sến, sông Hang Ma và kênh làm mát nhiệt điện... Từ đó chặn đứng mọi đường lây nhiễm của dịch bệnh.