Thứ bảy, ngày 18/01/2025

Tham vọng xe tự lái của Nhật Bản chưa thể sớm thành hiện thực?

Thứ tư, 22/09/2021 10:06 GMT+7

Sẽ phải mất khoảng 1 thập kỷ để các nhà sản xuất ô tô đưa xe tự lái hoạt động trên quy mô lớn.

Con đường phát triển xe tự lái nhằm đáp ứng tình hình dân số già hóa tại Nhật Bản còn rất chông chênh khi mức độ đảm bảo an toàn vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Dàn xe tự lái Toyota e-Palette. Ảnh: Nguồn Toyota

Hỗ trợ tài chính, sửa luật để phát triển xe tự lái

Cuối tháng 8 vừa qua, khi đưa mẫu xe e-Palette vào phục vụ tại Thế vận hội giành cho người khuyết tật (Tokyo Paralympics), Tập đoàn Toyota Motor kỳ vọng phương tiện này sẽ là minh chứng cho hiệu quả và mức độ an toàn của xe tự lái, tạo niềm tin và tiền đề cho Nhật Bản phát triển xe tự lái trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, một vụ tai nạn đã xảy ra. Xe e-Palette đang di chuyển ở tốc độ 1 - 2km/h đã đâm vào một vận động viên khiếm thị. Sự việc buộc Toyota phải thông báo tạm ngừng ngay lập tức toàn bộ dàn xe tự động phục vụ Paralympics.

Hãng tin Channel News Asia dẫn lời nhiều nhà quan sát và lãnh đạo các hãng ô tô hàng đầu của Nhật cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy phải 10 năm nữa xe điện mới có thể lăn bánh trên đường phố công cộng của nước này.

Từ cách đây nhiều năm, Nhật Bản là một trong những quốc gia chú trọng chiến lược phát triển xe điện nhằm phục vụ lượng dân số đang già hóa.

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo gần đây của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản (METI) cho biết, tại Nhật, người điều khiển phương tiện ngày càng cao tuổi, trong khi nhân lực lại thiếu hụt. Văn phòng cảnh sát quốc gia Nhật cũng cho biết, năm 2020, khoảng 300.000 người từ 75 tuổi trở lên đã nộp lại bằng lái vì không đủ khả năng điều khiển phương tiện.

Nhật là nước đầu tiên trên thế giới cho phép phương tiện hoàn toàn tự động vận hành trên đường phố trong một số điều kiện thích hợp. Chính phủ Nhật đã thay đổi luật để mở đường cho xe tự lái tiên tiến phát triển.

Đầu tháng 9 này, METI tiếp tục công bố dự án “Đường tới Level 4” - mức tự động lái thứ 4 cho phép phương tiện tự điều khiển mà không cần con người nhúng tay.

Theo ông Tatsuki Izawa, Trợ lý quản lý Phòng phát triển công nghệ tự lái thuộc METI, ở nhiều khu vực nông thôn, người dân, kể cả người cao tuổi bị thiếu phương tiện di chuyển. Nếu có xe bus tự lái hoạt động nội thành, người dân có thể dễ dàng ra ngoài đi lại, mua sắm.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật cũng sẽ chi khoảng 6 tỷ yên (tương đương 55 triệu USD) vào phát triển dịch vụ tự lái trong năm tài khoá 2021 (bao gồm ngân sách cho “Dự án Level 4”), dự tính có 40 điểm thử nghiệm taxi tự lái trên toàn quốc vào năm 2025.

Thận trọng hơn khi đặt mục tiêu xe tự lái

Channel News Asia dẫn phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nottingham Trent và Đại học Qatar cho biết, dù đã có sự hỗ trợ từ tài chính và cơ chế nhưng tham vọng xe tự lái của Nhật vẫn gặp nhiều thử thách. Trong đó, sự an toàn và mức độ chấp nhận của người tiêu dùng là những rào cản lớn nhất.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn tại Tokyo Paralympics kể trên, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cũng thừa nhận: “Vẫn chưa thể hiện thực hóa mục tiêu đưa phương tiện tự lái hoạt động trên đường phố”.

Ông Christopher Richter, một nhân sự cấp cao tại công ty môi giới chứng khoán CLSA chuyên nghiên cứu về Nhật Bản và là chuyên gia về ô tô nhận định, sự cố của xe e-Palette là minh chứng cho thấy Nhật còn phải trải qua chặng đường rất dài mới có thể đạt tham vọng ô tô tự lái.

“Mọi người đều khẳng định công nghệ tự lái đã sẵn sàng hoạt động trong môi trường cộng đồng có kiểm soát nhưng thực tế đã thất bại”, ông Richter chia sẻ trên tờ AFP.

Ông Richter cho rằng, sẽ phải mất khoảng 1 thập kỷ để các nhà sản xuất ô tô đưa xe tự lái hoạt động trên quy mô lớn.

Nissan, một thương hiệu ô tô nổi tiếng khác của Nhật Bản cũng đã ra mắt taxi tự lái Easy Ride vào năm 2018 và từng đặt kỳ vọng cao sẽ thương mại hóa ngay vào đầu những năm 20 của thế kỷ 21.

Tháng 9 này, taxi Easy Ride đã đến vòng thử nghiệm thứ 3 trên đường phố ở Yokohama, ngoại ô Thủ đô Tokyo trong khu vực giới hạn, được thiết kế để dành riêng cho mục tiêu này.

Tuy nhiên, trong thông báo gần đây, khi nói về mục tiêu, ông Kazuhiro Doi, Phó chủ tịch Nissan toàn cầu phụ trách về nghiên cứu đã thận trọng hơn.

Theo lãnh đạo Nissan, mức độ chấp nhận xe tự lái trong xã hội Nhật Bản chưa đủ cao. Rất ít người trải nghiệm xe tự lái và khi không thực sự ngồi trên xe để cảm nhận họ sẽ rất khó chấp nhận vì công nghệ này còn quá mới.

Ông Kazuhiro Doi cũng cho rằng, rất khó để nhận định khi nào xe tự lái được thương mại hóa tại Nhật Bản.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)