Thứ năm, ngày 08/05/2025

Mường Nhé (Điện Biên) tập trung khôi phục hệ thống giao thông nông thôn

Thứ ba, 13/10/2009 07:30 GMT+7
Năm nào cũng vậy, những tháng mùa mưa, Mường Nhé lại xảy ra tắc đường. Trước thực trạng trên, UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) phối hợp với đơn vị chức năng quản lý giao thông, các doanh nghiệp tham gia làm ăn trên địa bàn tập trung nhân lực, vật lực hót đất đá tại các điểm sụt sạt; đồng thời huy động người dân cùng tham gia bảo đảm giao thông.
Năm nào cũng vậy, những tháng mùa mưa, Mường Nhé lại xảy ra tắc đường. Trước thực trạng trên, UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) phối hợp với đơn vị chức năng quản lý giao thông, các doanh nghiệp tham gia làm ăn trên địa bàn tập trung nhân lực, vật lực hót đất đá tại các điểm sụt sạt; đồng thời huy động người dân cùng tham gia bảo đảm giao thông.
 
Mường Nhé - huyện xa xôi nhất tỉnh Điện Biên, hệ thống giao thông nông thôn chậm phát triển. Hàng năm Nhà nước đầu tư khá nhiều tiền của mở mới, nâng cấp các tuyến giao thông, nhưng cho đến nay, đường về xã, bản vẫn tạm bợ. Nan giải nhất là những tháng mùa mưa, đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt, đi bộ còn khó khăn nói gì đến đi xe máy. Tuyến giao thông độc đạo từ xã Chà Cang vào trung tâm huyện lỵ Mường Nhé dài khoảng 80km có nhiều đoạn bị sụt sạt, gây trở ngại phương tiện tham gia giao thông. Thống kê của Ban Phòng chống lụt bão huyện: Mường Nhé có 110 điểm sạt lở, khối lượng đất, đá bị nước cuốn trôi, vùi lấp khoảng 4.790m3 trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ.
 
Đảm bảo giao thông trong điều kiện có thể, UBND huyện phối hợp với các đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, bố trí máy móc túc trực tại các điểm sung yếu, thường xảy ra sạt lở để hót sụt đất đá. Bên cạnh đó, huyện huy động các doanh nghiệp tham gia làm ăn trên địa bàn chung tay khắc phục giao thông. Trong mưa lũ, công nhân bám máy, bám đường kịp thời san gạt, kè, đắp đất đá vá đường, nên đã hạn chế tình trạng ách tắc giao thông nhiều ngày như các năm trước.
 
Một mặt, huyện Mường Nhé chỉ đạo các thành viên ban phòng, chống lụt bão từ huyện xuống xã nâng cao tinh thần trách nhiệm, mỗi khi xảy ra sự cố sạt núi, đứt đường phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường xác định khối lượng đất, đá từ phía ta ly dương vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi để công nhân các doanh nghiệp bắt tay thực hiện nhiệm vụ. Ngân sách Nhà nước chi cho công tác khắc phục giao thông hàng năm hạn chế và chậm, huyện Mường Nhé linh hoạt trong phân bổ vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động khắc phục giao thông.
 
Tại các tuyến giao thông liên xã, liên bản, mưa lớn, nước chảy mạnh, tạo thành rãnh sâu cắt ngang đường, hoặc ngập úng. Trước mắt, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vận động người dân sửa chữa, khắc phục tạm thời để xe máy, xe đạp có thể qua lại. Từ đầu tháng 10 đến nay, bước sang mùa khô, các gia đình tại nhiều thôn bản cắt cử người tham gia làm đường giao thông. Căn cứ vào từng cung đường, khối lượng công việc cần giải quyết, UBND các xã, thị trấn giao nhiệm vụ cụ thể cho người dân khắc phục, sửa chữa, kịp hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Mùa mưa, độ ẩm cao, cây dại mọc choán đường, che khuất tầm nhìn, bà con dùng dao phát quang, việc đi lại dễ dàng và an toàn hơn. Được biết, năm nào cũng vậy, bước sang mùa khô, huyện Mường Nhé mở “chiến dịch” sửa đường giao thông liên thôn, liên bản. Tất cả lao động chính trong các gia đình nhiệt tình tham gia. Bà con ý thức được việc khắc phục giao thông trước hết là để phục vụ chính mình, góp phần thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển.
 
Thống kê của UBND huyện Mường Nhé, mùa mưa năm 2009 làm thiệt hại về giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học là 3,9 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách địa phương hạn chế, huyện Mường Nhé làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai. Ngày 25/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721/QĐ - UBND, cấp bổ sung cho huyện 2,7 tỷ đồng. Hiện nay, Mường Nhé đang cân đối ngân sách, phân bổ thêm cho các xã, thị trấn và doanh nghiệp tập trung khắc phục giao thông sau mùa mưa lũ.
BĐB
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)