Ông Đỗ Văn Hòa, Phó trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật cho biết, riêng đợt dịch thứ 4, Công đoàn đã hỗ trợ hơn 200 trường hợp người lao động là F0 và hàng trăm trường hợp người lao động là F1, F2.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp người lao động nguy cơ lây nhiễm cao như sống hoặc làm việc tại địa bàn bị phong tỏa, hoặc trong quá trình làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên không được bố trí công việc… Công đoàn Đường sắt VN đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 1.000 người lao động thuộc các trường hợp này với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN Mai Thành Phương trao hỗ trợ người lao động Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội
Cùng đó, nhằm động viên người lao động đang phải thực hiện sản xuất tập trung theo mô hình “3 tại chỗ” tại các đơn vị, Công đoàn ngành cũng đã chi 364 triệu đồng hỗ trợ bữa ăn cho hơn 800 người lao động.
Trước đó, đơn vị này cũng đã chi hơn 140 triệu đồng động viên hơn 500 người lao động phải tập trung cách ly tại đơn vị thuộc 57 điểm trên các tuyến đường sắt để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất.
“Công đoàn Đường sắt VN đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, báo cáo các trường hợp người lao động phát sinh mới để hỗ trợ khẩn cấp. Thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 400-500 người nữa bị ảnh hưởng cần quan tâm, hỗ trợ”, ông Hòa cho hay.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19, vận tải giảm sút, tàu khách dừng chạy nên hàng ngàn lao động các đơn vị phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ luân phiên. Riêng 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đã có hơn 7.000 lượt lao động bị ảnh hưởng việc làm.
Còn các đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN, từ tháng 9 đến hết tháng 12/2021 cũng thực hiện nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động đối với ít nhất 30% số lao động trực tiếp. Dự kiến có khoảng 1.600 lượt lao động bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
K.N