Chủ nhật, ngày 29/12/2024

Gia Lai: Khó khăn trong việc xử lý chở hàng nông sản quá khổ, quá tải

Thứ tư, 02/03/2022 11:59 GMT+7

Nhiều năm qua, việc các phương tiện chở hàng nông sản quá khổ, quá tải diễn ra thường xuyên để lại nhiều hệ quả nặng nề.

Dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực, tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác xử lý, phát hiện và ngăn chặn vấn nạn này không hề dễ dàng.

Chú thích ảnh

Bất chấp bảng hạn chế tải trọng phương tiện, nhiều xe chở nguyên liệu mía quá tải
vẫn vô tư lưu thông. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Thấy chốt… là né
Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đầu tháng 2/2022 trên tuyến đường liên xã Đak Sơmei - Hà Đông (thuộc địa phận làng Bokrei, xã Đak sơmei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), các lực lượng chức năng của địa phương đang triển khai nhiều biện pháp xử lý các trường hợp chở hàng nông sản quá khổ, quá tải.  

Ghi nhận tại các tuyến đường phía Đông và Đông Nam của tỉnh - nơi đang bước vào cao điểm thu hoạch mía, mỳ. Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải lén lút hoạt động diễn ra khá phức tạp. Các lái xe thường xuyên cử người theo dõi lực lượng chức năng và điện thoại báo cho nhau mỗi khi phát hiện chốt đang kiểm tra tải trọng. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các phương tiện này lập tức ngừng lưu thông. Một lái xe (giấu tên) thừa nhận, do lực lượng chức năng đang kiểm tra tải trọng nên bọn em không dám đi. Khi nào lực lượng chức năng rút, bọn em mới lưu thông.

Để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng thường mật phục hoặc tổ chức tuần tra, tiến hành cân lưu động. Tuy nhiên, việc xử lý được sai phạm, yêu cầu tài xế chấp hành điều khiển xe lên bàn cân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp lái xe khi bị kiểm tra có hiện tượng gây khó khăn, cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Nhiều trường hợp vi phạm tải trọng viện đủ lý do để biện minh cho vi phạm của mình.

Lái xe Huỳnh Văn Thanh (trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) khi bị kiểm tra và phát hiện đã chở quá 100% tải trọng theo thiết kế lý giải chở quá tải là vì số lượng hàng gần hư, thối. Vì vậy chở một chuyến cho hết số hàng bị hư.

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm

Trước tình trạng xe chở hàng nông sản vi phạm quá khổ, quá tải đã và đang để lại những hệ lụy nặng nề. Điển hình như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết, 3 người bị thương xảy ra trên tuyến đường liên xã Hà Đông - Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) ngày 9/2. Để ngăn chặn và giảm thiểu các tai nạn liên quan đến hoạt động chở quá khổ, quá tải, các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp.

Theo ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Gia Lai, bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng pháp luật về an toàn giao thông, ký cam kết với các chủ phương tiện, doanh nghiệp, lái xe thực hiện nghiêm các quy định về pháp luật an toàn giao thông, các lực lượng cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các huyện cũng tập trung phát quang hành lang an toàn giao thông các tuyến đường liên thôn, xã, huyện; tổ chức rà soát các điểm đen về an toàn giao thông để khắc phục kịp thời, hạn chế các tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cố tình "né- thông chốt". Thiếu tá Lê Văn Sáng, Phó Đội trưởng Phụ trách Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đối với các trường hợp "né tránh", tổ đã cử cán bộ, chiến sĩ ghi hình, ghi biển số và chuyển lại cho các tổ khác để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện cao điểm kiểm soát tải trọng trên tất cả các tuyến đường trọng yếu. Hai tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh đã phát hiện, xử phạt 58 phương tiện chở quá khổ, quá tải.

Nguồn: TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)