Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Bạc Liêu: Tích cực, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Thứ ba, 05/04/2022 10:48 GMT+7

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chỉ đạo, năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Lực lượng CSGT tỉnh lắp đặt pa nô tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Các nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra đang được các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng thực hiện gồm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT); nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông - vận tải (GT-VT); tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong GTVT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả TNGT…

Trên cơ sở này, Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu xác định nhiều giải pháp xây dựng văn hóa giao thông gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT và phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong GTVT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật; phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.

Xây dựng "văn hóa nhường đường"

Hiện nay, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực thực hiện chức năng đảm bảo TTATGT, kết hợp song song giữa đổi mới, sáng tạo trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Trật tự, Thanh tra giao thông, Công an cơ sở vẫn nỗ lực thực hiện các chuyên đề về xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải, quá khổ, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông… nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng CSGT tỉnh Bạc Liêu, đơn vị hạ quyết tâm huy động tối đa lực lượng, phương tiện, các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để kiềm chế TNGT, ùn tắc giao thông, phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% TNGT so với thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19, nhất là kéo giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, Phòng CSGT tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và các trường học trong tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông, các nghị định xử phạt vi phạm giao thông, tình hình hậu quả TNGT. Chủ động nắm chắc tình hình, định hướng dư luận, thay đổi hình thức tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đi đôi với cưỡng chế bắt buộc việc chấp hành pháp luật về TTATGT. Từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm TTATGT, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”. Cán bộ, đảng viên phải tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo TTATGT, nêu gương và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, ưu tiên sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Youtube…); kết hợp với nhà mạng viễn thông tuyên truyền thông qua tin nhắn với nội dung ngắn gọn, tạo sự lan tỏa; tăng cường xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT thân thiện, vì Nhân dân phục vụ. Mặt khác, phát động phong trào “Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông”. Trong đó, lực lượng CSGT là nòng cốt, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân ý thức và kỹ năng nhường đường khi tham gia giao thông, kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định “không nhường đường” khi tham gia giao thông. Triển khai thực hiện mô hình tự quản về TTATGT, trong đó đặc biệt là xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)