Thứ bảy, ngày 18/01/2025

Thi công xuyên đêm ngày trên công trường sân bay Long Thành

Thứ sáu, 08/04/2022 08:20 GMT+7

Tiến độ thi công sân bay Long Thành đã chuyển biến đáng kể. 32 dây chuyền thi công liên tục 3 ca. Tuy nhiên, nỗi lo chậm mặt bằng vẫn hiện hữu.

Thi công thần tốc ngày đêm

Những ngày đầu tháng 4, trên đại công trường Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), không khí thi công diễn ra khẩn trương, hối hả.

Các kỹ sư tất bật điều phối hoạt động tập kết thiết bị như cọc nhồi, máy bơm, máy nén khí… vào vị trí cắm giàn khoan. Trong khi đó, hàng trăm xe ben chở đất nhộn nhịp tỏa đi các hướng phục vụ quá trình san đắp nền, chạy đua trước mùa mưa.

Các nhà thầu đã bắt tay vào thi công cọc thử
phần nền của nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Kỹ sư Nguyễn Quang, giám sát công trình cho biết, theo tiến độ đặt ra, gói móng cọc với tổng khối lượng 1.560 cọc được triển khai thi công từ tháng 3/2022 - 10/2022 để khớp nối đồng bộ với công tác chuẩn bị khởi công phần thân nhà ga vào tháng 10/2022.

Trong đó có 2 tháng thi công 15 cọc thử, nén tĩnh và thiết kế bản vẽ thi công. Cùng với việc thi công cọc thử, tư vấn, chủ đầu tư sẽ đánh giá chất lượng cọc. Sau khi các cọc thử đạt yêu cầu sẽ có 5 tháng để thi công 1.545 cọc đại trà.

“Như vậy mỗi ngày phải thi công hơn 10 cọc. Áp lực công việc rất lớn đòi hỏi phải tập trung tuyệt đối, liên tục nhiều ngày tháng. Tôi và các đồng nghiệp xác định sống tại công trường luôn”, anh Quang chia sẻ.

Để thi công hạng mục cọc thử, liên danh nhà thầu đã huy động 15 giàn máy khoan, máy cẩu, 4 máy phát điện, các dây chuyền thi công cọc khoan nhồi, 20 máy bơm các loại và các máy nén khí. Phòng thí nghiệm trực tiếp tại hiện trường đang được xây dựng để đáp ứng tiến độ cho giai đoạn thi công cọc đại trà.

Ông Nguyễn Khắc Phong, Phó giám đốc Ban QLDA sân bay Long Thành cho biết, số lượng nhân sự của Ban có mặt tại hiện trường hơn 173 người, trong đó gồm 36 cán bộ kỹ thuật đủ chuyên môn, kinh nghiệm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công.

Khối lượng thi công cọc thử tính đến ngày 4/4 đạt 8/15 cọc, đáp ứng tiến độ ngày 7/4/2022 sẽ hoàn thành công tác thi công cọc thử.

Tổng khối lượng đất đào, đắp tính đến hết tháng 3 đã đạt 2.500.000m3, vượt 500.000m3 so với kế hoạch ban đầu. Liên danh Trường Sơn - Vinaconex - ACC - Cienco 8 - Phúc Lộc - Tư vấn Trường Sơn đang mở thêm các mũi thi công về phía Tây đường cất hạ cánh, tập trung hoàn thành san nền toàn bộ khu vực nhà ga đáp ứng thi công cọc đại trà.

Đến nay, các liên danh thi công đã bố trí hơn 700 đầu máy, trang thiết bị thi công, 104 máy đào các loại, 86 máy ủi, 134 máy lu, 320 xe tải vận chuyển, 2 máy xúc lật, 16 xe tưới nước và các loại trang thiết bị khác, tổ chức thi công thành 32 dây chuyền.

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, một dây chuyền có thể đạt 5.000m3/ca máy. Do vậy, việc huy động công suất tối đa thi công 3 ca với 32 dây chuyền, tổng công suất thi công có thể đạt gần 500.000m3/ngày đêm.

Phập phù vì mặt bằng “xôi đỗ”

Theo đánh giá của liên danh nhà thầu, do hiện trạng mặt bằng còn hạn chế, bị tình trạng “xôi đỗ” nên chưa phát huy hết công suất, một số dây chuyền còn hoạt động 1 ca, cầm chừng đợi mặt bằng.

Về hiện trạng mặt bằng thi công dự án, huyện Long Thành đã bàn giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (AVC) 1.285ha, tạm bàn giao 328,6ha.

Trong đó, khu vực đào chiếm 1.285ha (khoảng 80% diện tích đất đã nhận bàn giao), khu vực đắp chiếm 328ha (khoảng 20% diện tích đất đã nhận bàn giao).

Nhìn con số có thể thấy khối lượng mặt bằng bàn giao tương đối lớn (1.285/1.810ha giai đoạn 1). Tuy vậy, theo ông Nguyễn Khắc Phong, khoảng 500ha vừa mới được bàn giao cuối tháng 3 lại nằm xen kẹp giữa các khu dân cư.

Dẫn PV đi thực tế thi công san lấp ở khu vực nhà ga, anh Nguyễn Văn Vinh, Phó chỉ huy trưởng Tổng công ty xây dựng công trình hàng không (ACC), chỉ tay về những khu vực vẫn còn cây xanh, nhà cửa lấp ló bên dưới và cho biết, đó là những khu vực chưa giải tỏa được.

Trong khi đó đây là khu vực trũng, nhà thầu huy động máy móc chở hàng nghìn m3 đất từ khu vực cao đến đổ để san lấp. Mặt nền sau khi san lấp cao hơn nền cũ trên 5m, rất nguy hiểm nếu người dân tiếp tục bám trụ lại.

Trong khi đó, để cào bóc lớp đất mặt, phải có khu vực để chứa. Mặc dù đã quy hoạch khu vực 720ha để dự trữ nhưng đến nay mới chỉ bàn giao 165ha, nếu hoạt động hết công suất phần thi công san nền thì không có khu vực để chứa đất mặt vận chuyển đến.

Ông Nguyễn Khắc Phong cho biết, để có được mặt bằng thi công đến thời điểm này, Ban QLDA đã phối hợp chặt chẽ với địa phương vận động người dân bàn giao. Tuy nhiên, tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” rất phổ biến.

Một kỹ sư công trình của liên danh các nhà thầu thi công nhận định, nếu không giải quyết tốt các hạn chế về mặt bằng thì nguy cơ tháng tới không có mặt bằng để thi công.

Để đạt được tiến độ theo kế hoạch, ACV kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục tập trung bàn giao phần mặt bằng, giảm thiểu tình trạng “xôi đỗ”.

Theo lãnh đạo huyện Long Thành, hiện còn khoảng 720 trường hợp vẫn chưa giải quyết xong đền bù để ra tái định cư. Nguyên nhân là có tình trạng mua bán, cho tặng đất bằng giấy tay.

Một vấn đề khác là hiện giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đang tăng cao, ảnh hưởng đến các gói thầu đang thi công và dự toán các gói thầu chuẩn bị thi công. “Chúng tôi kiến nghị có các chính sách điều chỉnh giá cập nhật, phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phong nói.

Duy trì tốc độ thi công 3 ca liên tục

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư Sân bay Long Thành cho biết, sau 2 tháng ra quân, đến nay Dự án đã hình thành đại công trường nhộn nhịp, các mũi thi công được triển khai tối đa, thi công liên tục 3 ca.

Trước tình trạng mặt bằng “xôi đỗ”, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã chỉ đạo Chủ tịch huyện Long Thành dừng các công việc khác để xuống ngay hiện trường dự án, giải quyết xong các vấn đề tồn tại.

Ông Cao Tiến Dũng cam kết trong tháng 4, sẽ giải quyết xong tình trạng “xôi đỗ” đối với phần mặt bằng 2.500ha. Phấn đấu trong tháng 6/2022 sẽ bàn giao toàn bộ 5.000ha mặt bằng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá không khí tại công trường khởi sắc đáng kể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải triển khai bằng được, khánh thành dự án vào năm 2025; chất lượng phải đặt lên hàng đầu.

“Bây giờ giữ đà này, giữ không khí thi công như thế này, duy trì tốc độ thi công 3 ca liên tục cho tất cả các hạng mục để tạo chuyển biến đáng kể với các công trình, hạng mục đang thi công", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)