Dự án hạ tầng kỹ thuật phức tạp bậc nhất châu Âu
Tuyến tàu Crossrail còn có tên gọi khác là Elizabeth - đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II nhân dịp Đại lễ Bạch kim mừng 70 năm trị vì.
Tuyến tàu Crossrail có công suất 1.500 khách với vận tốc thiết kế 145km/h, được kỳ vọng có thể rút ngắn thời gian đi lại giữa hai địa điểm nổi tiếng là cảng Canary (khu kinh doanh lớn ở London, nơi đặt một số tòa nhà cao nhất ở Anh) tới sân bay quốc tế Heathrow (cách nhau gần 35km) còn 38 phút.
Lối vào nhà ga ở bến cảng Canary
Rất nhiều người, trong đó có tôi, đã có lúc nghi ngờ về những siêu dự án hạ tầng. Đã có rất nhiều chỉ trích, những câu hỏi nhạy cảm được đặt ra với Crossrail nhưng sau những tồn tại, hạn chế, Crossrail vẫn xứng đáng là dự án tuyệt vời, hoành tráng và dự kiến sẽ trở thành biểu tượng của London như những chiếc xe buýt đỏ hay hệ thống tàu điện ngầm.
Christian Wolmar, tác giả cuốn sách “Câu chuyện về Crossrail”
Thời gian hành trình giảm mạnh so với ít nhất 1 giờ di chuyển bằng hệ thống tàu điện ngầm hiện có, thậm chí bằng một nửa thời gian so với khi đi taxi trong điều kiện giao thông bình thường.
Khi đi vào vận hành hoàn toàn, tuyến tàu này sẽ giúp tăng công suất của hệ thống tàu Thủ đô London lên 10% - mức cao nhất của một dự án trong hệ thống vận tải London suốt hơn 70 năm qua.
Lúc đó, Crossrail được dự báo sẽ vận chuyển khoảng 200 triệu hành khách một năm.
Bên cạnh hứa hẹn về công suất, dự án này còn gây ấn tượng mạnh vì những thiết kế và quy hoạch hiện đại ở mỗi nhà ga.
Điểm dừng tại cảng Canary nằm dưới một tòa nhà phức hợp 5 tầng, ở khu đất rìa bến cảng, có cửa hiệu mua sắm, nhà hàng, khác hoàn toàn với kiểu cổng vào đơn giản, chỉ có bậc thang dẫn xuống hầm như các hệ thống tàu truyền thống.
Dù là hệ thống tàu dài nhưng công trình này gần như không làm thay đổi cấu trúc bề mặt của thủ đô nhờ đi dưới hệ thống đường hầm với tổng chiều dài khoảng 41km xuyên qua trung tâm London.
Những đường hầm có đường kính 6m, ở độ sâu lên tới 40m, len lỏi giữa nền móng của nhiều tòa nhà lớn. Điều này đòi hỏi kỹ thuật thi công với độ chính xác cực lớn, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cấu trúc khác.
Riêng việc thi công hệ thống đường hầm này đã tốn mất 3 năm (2012 - 2015), cần 8 máy khoan hầm toàn tiết diện 1.000 tấn. Do đó, không khó hiểu khi đây từng được coi là dự án kỹ thuật phức tạp nhất châu Âu.
Thử nghiệm nhiều tháng
Công nhân xây dựng đường hầm tuyến Crossrail
Để xây dựng tuyến đường sắt với mức độ phức tạp đáng kinh ngạc như vậy, London đã phải chi hơn 1 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD) để nâng cấp 31 dự án sân ga và đường sắt hiện tại. Họ đã thực hiện nâng cấp rất thận trọng để tránh làm gián đoạn một số tuyến tàu bận rộn nhất nước Anh.
London cũng huy động số lượng khổng lồ nhân viên hoạch định, kỹ thuật viên, kỹ sư vào cuộc để kết nối liền mạch, trơn tru tuyến đường sắt mới với 2 tuyến đường sắt từ thế kỷ 19.
Đằng sau những chuyến tàu trơn tru sẽ là hàng chục hệ thống kiểm soát nguồn điện của toàn tuyến, hệ thống ánh sáng, hệ thống khí, camera giám sát, hệ thống an toàn, liên lạc và hàng trăm thang máy…
Các kỹ thuật viên còn phải thiết kế phần mềm riêng và mất nhiều thời gian thử nghiệm để tàu có thể vận hành an toàn khi di chuyển giữa 3 hệ thống tín hiệu khác nhau.
Tính đến nay, tuyến Crossrail đã trải qua nhiều tháng thử nghiệm bao gồm hoạt động chạy thử có nhân viên tình nguyện và diễn tập sơ tán khẩn cấp.
Ông Howard Smith, Giám đốc vận hành Hệ thống vận tải công cộng London (Transport for London) cho hay, sẽ cần thêm thời gian so với kế hoạch để tất cả các hệ thống tín hiệu, thông tin liên lạc, phần mềm kiểm soát tín hiệu và tàu hoạt động hiệu quả.
Nhiều lần lùi kế hoạch, chậm tiến độ
Chính sự phức tạp kể trên đã phần nào lý giải cho những lần London chậm trễ, lùi kế hoạch.
Dự án xây dựng tuyến Elizabeth đã được thông qua vào năm 2007. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công từ năm 2009, đi vào khai thác từ năm 2018.
Tại thời điểm tháng 8/2018, các lãnh đạo dự án Crossrail vẫn khẳng định sẽ kịp tiến độ dự án vào tháng 12 năm đó nhưng 3 tuần sau họ đã phải xin lùi thời hạn thêm một năm. Khoảng tháng 4/2019, chủ dự án lại xin khất thêm 18 tháng nữa rồi cuối cùng lùi đến năm 2022 này.
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh cho rằng, lý do dẫn tới tình trạng liên tục chậm muộn như vậy là vì đơn vị phụ trách dự án Elizabeth đã xây dựng lộ trình không thực tế.
Năm 2018, Thị trưởng London Sadiq Khan vừa nhậm chức được hai năm, đã thốt lên đầy bức xúc và tức giận khi cầm trên tay bản báo cáo về những bất cập trong quản lý dự án suốt 5 năm khiến dự án chậm trễ và đội vốn.
Sau 4 năm chậm kế hoạch, tuyến Elizabeth đã đội vốn 5,28 tỷ USD. Đến nay, ước tính tổng giá trị của tuyến là 25 tỷ USD.
Tình trạng chậm trễ, đội vốn, mất niềm tin, sự thay đổi ưu tiên chính trị và tâm lý bức xúc của công chúng trước thực trạng chậm trễ của các siêu dự án đã khiến đề xuất xây dựng “Crossrail 2” - một dự án đường sắt thứ 2, kết nối Đông Nam London với vùng ngoại ô Tây Nam thủ đô gần như đóng băng.
Tuy nhiên, theo CNN, sau những tranh cãi, khi hệ thống đường sắt đã thành hình lộng lẫy và hiện đại, chiều hướng dư luận dần chuyển sang hướng tích cực.