Người đã về mà hành lý vẫn "đi du lịch"
Câu chuyện của cô Jenny Choi là một ví dụ. Dù đã biết trước thông tin về tình trạng hành lý ký gửi bị thất lạc và để phòng tránh, cô Choi đã mua thiết bị theo dõi gắn vào hành lý của cả gia đình khi đi du lịch hè.
Đúng như dự đoán, đến nay, gia đình cô đã tới thành phố Cancun, Mexico nhưng toàn bộ 3 túi hành lý vẫn ở nước Đức cách xa 10.000km, suốt một tuần vẫn chưa được chuyển về.
“Không chỉ tôi, rất nhiều người tới Mexico đi nghỉ vào thời điểm này cũng bị thất lạc hành lý. Mọi thứ hỗn loạn! Tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh như vậy”, cô Choi nói.
Hành lý xếp đầy bên ngoài Nhà ga T2 sân bay Heathrow, Anh. Ảnh - Guardian
Nhưng như cô Choi vẫn là may mắn vì còn biết hành lý của mình ở đâu.
Cô Deborah Sergeant, bay từ Mexico City (Mexico) tới Lima (Peru) trên chuyến bay của hãng hàng không Copa hồi tháng 2, chia sẻ: “Tôi đợi 3 tiếng tại khu nhận hành lý từ sáng sớm để nhân viên hãng bay giải quyết, nhưng cuối cùng nhận được kết quả không có thông tin”. Theo cô Sergeant, nhân viên hãng hàng không khẳng định sẽ tìm túi hành lý và đề xuất cô ở Lima trong vài tuần để hãng bay gửi lại hành lý khi tìm thấy.
“Khả năng sẽ có lượng hành khách lớn nhất trong lịch sử phải chịu cảnh thất lạc hành lý. Ngành hàng không đang đối mặt với khối lượng thách thức lớn nhất trong 25 năm qua kể từ khi tôi làm việc trong ngành này. Tất cả các lĩnh vực trong ngành đều thiếu lao động, từ nhân viên mặt đất, nhân viên xử lý hành lý tới tiếp viên hàng không và phi công”, Ông Marc Casto, nhà điều hành đại lý du lịch tại Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, từ đó tới nay vẫn chưa có thêm thông tin. Sergeant ước tính tổng tài sản bị thất lạc trị giá 1.500 USD. Hiện nay, cô đã “cháy túi” vì vừa không được bồi thường vừa phải mua lại toàn bộ quần áo cùng nhiều vật dụng khác.
Anh Connor Colquhoun - một nhà sáng tạo video trên YouTube cùng toàn đội bị mất hai túi hành lý đựng thiết bị quay phim trong chuyến bay Heathrow - Los Angeles hồi tháng 6. Anh Colquhoun cho biết, ngày nào anh cũng tìm cách liên hệ với hãng hàng không nhưng không được hỗ trợ.
Còn với anh Pascal Sigg, bay từ Zurich (Thuỵ Sỹ) tới Portland (Mỹ) tuần trước nhưng buộc phải nghỉ qua đêm tại London do chuyến bay bị hoãn. Gia đình anh đang đi nghỉ dài 7 tuần tại Mỹ, có con nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi. Hành lý của gia đình bị thất lạc nhưng khi gọi điện lên tổng đài thì không được được hỗ trợ.
Lúc này, họ không biết có nên mua vật dụng thiết yếu không hay tiếp tục chờ đợi hành lý?!
Một số trường hợp may mắn nhận được hành lý thì lại trong tình trạng bóp méo, trầy xước. Hơn nữa, chính sách bồi thường của một số hãng bay chỉ áp dụng với hành lý chứa quần áo, giày dép nếu hành khách bị thất lạc trong hơn 3 tuần.
Tình cảnh hàng đống hành lý ùn ứ tại sân bay chờ xử lý cũng diễn ra ở New York, Washington DC, Dublin, Amsterdam và nhiều nơi khác.
Hệ lụy từ đại dịch
Trước đây vì dịch Covid-19, hành khách ít đi lại nên nhiều sân bay, hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân lực, "thắt lưng buộc bụng".
Mùa hè này, nhiều gia đình trên thế giới đang có kỳ nghỉ đầu tiên sau 3 năm bị hạn chế vì dịch khiến nhu cầu đi lại hàng không hồi phục nhanh chóng trong khi nhân lực hàng không lại không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng thất lạc hành lý của hành khách gia tăng.
Ước tính trong tháng 4, trung bình các hãng hàng không Mỹ làm thất lạc tạm thời 6 trên 1.000 hành lý ký gửi. Trên toàn thế giới, tỷ lệ là 8,7 trên tổng số 1.000 hành lý của hành khách bị thất lạc.
Một hành khách đã chụp lại bức ảnh này và đăng lên mạng nói đùa rằng:
"Heathrow đang cho hành khách chơi trò chơi - Hãy bò lên đống hành lý này và tìm vali của ban!".
Như tại sân bay Heathrow, tuần trước, sân bay bận rộn nhất nước Anh phải quyết định giới hạn lượng khách phục vụ hàng ngày và yêu cầu các hãng hàng không giới hạn lượng vé máy bay bán ra. Hãng đối mặt với chỉ trích kịch liệt từ các tổ chức và nhiều hãng hàng không như Emirates.
Song, sân bay Heathrow chỉ ra, thực tế họ đang quá tải. Hàng trăm túi hành lý thất lạc nằm la liệt tại đại sảnh chờ giải quyết. Hệ thống quản lý hành lý của sân bay làm không hết việc.
Sân bay Heathrow lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thiếu nhân sự tại khu vực check-in hành khách và xử lý hành lý. Hãng cũng cáo buộc các hãng bay đặt lợi nhuận lên trên an toàn và sự thoải mái trong hành trình của hành khách.
Đối mặt thách thức hàng không lớn nhất, hành khách cần làm gì?
Không chỉ thiếu nhân sự, trên khắp châu Âu, lao động trong ngành hàng không ở nhiều nước đã đình công phản đối điều kiện làm việc chưa thỏa đáng và mức lương thấp khiến cho khủng hoảng hàng không lại càng trầm trọng.
Tại Australia, hãng Qantas đang thiếu lượng lớn nhân viên xử lý hành lý vì trước đó, để tiết kiệm chi phí hãng này đã thuê ngoài 1.700 nhân viên.
Tình trạng ngổn ngang hành lý tại sân bay John F. Kennedy. Ảnh - AP
Trước mắt, để giải quyết tình trạng cứ 10 túi hành lý thì có 1 túi bị thất lạc tại Sydney, hãng hàng không Qantas đã thực hiện một chuyến bay chỉ để chở 1.000 túi hành lý thất lạc từ Anh tới Detroit, bang Michigan, Mỹ để trả hành lý cho hành khách.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn túi hành lý chưa được trả về với chủ.
Ông Marc Casto, nhà điều hành đại lý du lịch tại Mỹ, cho biết tình trạng thất lạc hành lý trong mùa hè này có thể diễn biến tồi tệ hơn.
Theo ông nhận định, chỉ khi các hãng bay, sân bay đẩy nhanh tiến trình quá trình thuê và tập huấn lượng lớn lao động thì vấn đề mới được giải quyết.
Trong tình hình trước mắt, ông Casto khuyến cáo hành khách không lựa chọn hình thức ký gửi hành lý. Một số chuyên gia khuyến nghị hành khách sử dụng thiết bị theo dõi, chụp ảnh đồ đạc có giá trị trong hành lý để làm bằng chứng để thuận tiện khi đề nghị bồi thường bảo hiểm trong trường hợp thất lạc hành lý.