Đến năm 2025 xử lý dứt điểm LĐTM
Trong những tháng gần đây, số vụ tai nạn đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đều có liên quan đến các đường ngang, LĐTM. Điều đó cho thấy, đường ngang, LĐTM, nhất là những điểm tự mở trái phép luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt và ý thức người dân chưa được nâng cao. Đặc biệt, công tác quản lý cũng như hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm nếu không được thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng phát sinh lối đi trái phép, tồn tại các đường ngang không có tín hiệu, không có gác chắn…
Lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 178 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 42 đường ngang có phòng vệ bằng biển báo tự động, 15 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Đặc biệt tồn tại đến 114 LĐTM nguy hiểm qua đường sắt. Do đó, Cục Đường sắt lo ngại nguy cơ mất an toàn từ hàng trăm LĐTM qua đường sắt đang tồn tại trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết tình trạng LĐTM, tháng 6/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành Kế hoạch số 1955/KH-UBND yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt. Theo kế hoạch, lộ trình đến năm 2025 xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh.
Nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn
Mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tư an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn theo quy định của Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên tháng 6 vừa qua, đoàn khảo sát Cục Đường sắt Việt Nam do Cục trưởng Vũ Quang Khôi dẫn đầu đã có chuyến thực tế kiểm tra thực trạng vi phạm hành lang, công trình đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và nhận thấy còn tồn tại nhiều vấn đề như: Người dân tự ý đổ đất lấp rãnh thoát nước, gây úng ngập nền đường sắt khi mưa lớn; các phương tiện vận tải nông sản qua lại nhiều, gây hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt, biến đổi thông số kỹ thuật đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Hay như việc tổ chức cảnh giới, chốt gác tại 3 vị trí LĐTM đặc biệt nguy hiểm chưa được chính quyền địa phương tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân tại Km1490+175 (thuộc xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình); Km05+990, Km06+940 (thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc). Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an toàn. Trong đó tổ chức cảnh giới, chốt gác, xử lý dứt điểm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, xử lý dứt điểm các vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, tránh tình trạng tái diễn trên diện rộng.
Ngoài ra, để kéo giảm tai nạn đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến người dân, khi cấp đất cho chủ doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông theo các quy định đề ra.