Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022.
"Thưa các vị đại biểu!
Thưa các đồng chí cùng các em sinh viên thân mến!
Hôm nay tôi rất vui mừng được đến dự Lễ phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022. Đây là một cuộc thi rất thiết thực và ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn từng bước được khắc phục.
Những điều này phản ánh sự kịp thời và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021”…
Tuy vậy, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế cũng cho thấy tình hình trật tự, an toàn giao thông ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp: số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn còn phổ biến, ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn chưa được giải quyết tốt… Thực tế này đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là yêu cầu đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hoá của người tham gia giao thông.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu hằng năm giảm 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện và hiệu quả. Chiến lược đã đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ 5 bao gồm các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông.
Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó, việc tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet trong năm 2020, 2021 là một việc làm hết sức ý nghĩa, phù hợp với nội dung của Chiến lược nêu trên về ứng dụng các giải pháp công nghệ tuyên truyền, cụ thể: “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông qua các nền tảng công nghệ thông tin như: internet, các mạng xã hội, điện thoại thông minh, đặc biệt bằng các công cụ hình ảnh trực quan, các ứng dụng trò chơi”.
Trong 2 năm qua, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet đã đóng góp một phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Ban Tổ chức về kết quả Cuộc thi, trong đó khẳng định Cuộc thi đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, thu hút được hàng triệu người tham gia, khẳng định VCNet là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Việc tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trong 2 năm với 40 tuần thi, số người dự thi, số lượt làm bài thi lớn song không để xảy ra bất kỳ sai sót nào về đề thi và đáp án cũng như công tác tổ chức Cuộc thi cho thấy tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc và sự nỗ lực không ngừng của các đồng chí trong Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi. Cuộc thi đã diễn ra khách quan, trung thực, hiệu quả, bảo đảm tính lan tỏa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực tham gia. Đối tượng dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
Thưa các vị đại biểu, các đồng chí và các em sinh viên!
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa Cuộc thi, năm 2022, Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 sẽ được tổ chức trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các báo, tạp chí điện tử. Đây là phương thức tổ chức cuộc thi rộng rãi hơn nhằm tiếp tục thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Để Cuộc thi thành công tốt đẹp, Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp để làm tốt một số nội dung sau:
1. Đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng tại các cấp.
2. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông”.
3. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Cơ quan thường trực Cuộc thi chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tổ chức tốt Cuộc thi; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Báo: Nhân Dân, Tạp chí Tuyên giáo, Quân đội nhân dân, Đại biểu nhân dân, Công an nhân dân,… tăng cường tuyên truyền và tổ chức hiệu quả Cuộc thi; chuẩn bị chất lượng bộ câu hỏi thi, bảo đảm bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bộ câu hỏi và đáp án cần bám sát mục đích, yêu cầu của Cuộc thi, đảm bảo tính chính xác, tính hệ thống, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, khiếu nại về câu hỏi và đáp án của Cuộc thi. Đồng thời đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong suốt thời gian diễn ra Cuộc thi.
Bên cạnh đó, đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi cung cấp các tài liệu tham khảo quan trọng, sát với nội dung các câu hỏi, giúp người dự thi vừa có đáp án cho câu hỏi, vừa được bổ sung kiến thức pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, đề nghị Ban Tổ chức cũng phân công các thành viên thường xuyên tương tác, giải đáp kịp thời những câu hỏi và ý kiến thắc mắc của người dự thi về nội dung và kỹ thuật khi làm bài thi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dự thi.
4. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tiếp tục hỗ trợ bảo đảm vận hành thông suốt và an toàn mạng xã hội VCNet.
Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan; sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân; sự đồng sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị; sự tuyên truyền, cổ vũ mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn, Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 sẽ thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!"