Thứ năm, ngày 09/01/2025

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận chuyển gần 7,2 triệu lượt hành khách

Thứ hai, 31/10/2022 09:40 GMT+7

Đến hết ngày 28/10, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, vận hành 357 ngày an toàn, vận chuyển gần 7,2 triệu hành khách.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Metro Hà Nội (Metro Hanoi) cho biết, hiện nay, đường sắt Cát Linh-Hà Đông mỗi ngày có trên dưới 10 nghìn người đi vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32 nghìn lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) dao động từ 26 đến 28 nghìn khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa; khách đi lại thường xuyên 5-6 nghìn người.

“Khung giờ cao điểm của tuyến buổi sáng từ 7 đến 8 giờ 30 phút, buổi chiều 16 giờ 30 phút đến 18 giờ. Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến”, Tổng Giám đốc Metro Hanoi Vũ Hồng Trường cho hay.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11/2021, đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm loại hình vận tải công cộng hiện đại, lần đầu có mặt tại Việt Nam.

Vé tàu đường sắt đô thị được ngân sách thành phố trợ giá gồm các loại: vé lượt (8-15 nghìn đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30 nghìn đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200 nghìn đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100 nghìn đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140 nghìn đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).

Từ ngày 1/9, đường sắt Cát Linh-Hà Đông chuyển sang giai đoạn 2 của năm đầu khai thác, giờ bình thường chạy tần suất 10 phút/chuyến với 6 đoàn, cao điểm chạy giãn cách 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu với lượng khách tăng khoảng 15%.

Lý giải về số lượng hành khách tăng trong thời gian qua, lãnh đạo Hanoi Metro cho hay, do tuyến đường sắt đã đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy sự tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường, văn minh lịch sự,… nên dần hình thành văn hóa Metro.

Đặc biệt, hành khách sử dụng Metro làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể tiếp chuyển loại hình xe buýt được kết nối khá tiện lợi ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Bên cạnh đó, hoạt động đời sống, kinh doanh đã mở cửa trở lại sau dịch và cách tiếp cận về phòng, chống dịch Covid-19 đã linh hoạt, số lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại; giá nhiên liệu tăng cũng là một trong các yếu tố khiến nhu cầu khách đi lại cao hơn.

“Bước đầu, tuyến đường sắt đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Công tác vận hành theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Metro Hanoi đã đưa ra”, ông Trường khẳng định.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)