Thứ sáu, ngày 24/01/2025

Cái Mép - Thị Vải cần gì để thành cảng trung chuyển quốc tế?

Thứ hai, 14/11/2022 09:43 GMT+7

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có nhiều cơ hội để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, tuy nhiên đi kèm là rất nhiều điều kiện.

Thiên thời, địa lợi

Ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc CTCP Gemadept nhận định, Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng hàng đầu khu vực, khi được xếp thứ 11/370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu. 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân thông qua khu vực cảng đạt khoảng 20%/năm.

Ngoài ra, theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579, hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển đặc biệt; với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn.

Xếp dỡ container tại cầu cảng Cái Mép

Cụm cảng cũng đang là một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Chưa kể, Cái Mép - Thị Vải còn nằm gần tuyến hành hải quốc tế.

Chi phí xếp dỡ, chuyển tải cũng đang thấp nhất trong khu vực; hạ tầng và trang thiết bị, công nghệ và năng suất xếp dỡ tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực...

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Thiết kế cảng, kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng, cụm cảng hiện nay đã có điều kiện cần để hình thành cảng trung chuyển quốc tế.

Cụ thể, thời gian tới, bến cảng có thể có tới 3,5km cầu cảng để làm hàng sau khi các cảng hoàn thiện các bến. Hiện nay, cảng cũng đã đón được những tàu lớn nhất trên thế giới.

“Cơ sở vật chất, hạ tầng của Cái Mép – Thị Vải cơ bản ổn và nếu sau này đầu tư thêm nhiều tuyến bến sẽ là điều kiện tuyệt vời cho trung chuyển hàng hóa. Nhưng nếu cứ như hiện nay, sẽ chỉ mang tính chất là cảng cửa ngõ. Làm sao để thu hút các hãng tàu, để các hãng tàu xác định cụm cảng này là điểm trung chuyển là điều quan trọng”, ông Tuấn nói và phân tích, để hình thành cảng trung chuyển quốc tế phải có điều kiện cần và đủ.

Điều kiện cần là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng với quy mô bến cảng, cầu cảng... để các tàu mẹ vào làm hàng. Điều kiện đủ là phải có sự hậu thuẫn của ít nhất 1-2 hãng tàu hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, còn cần yếu tố như hậu phương có sẵn hàng hóa xuất nhập khẩu ban đầu.

“Cảng trung chuyển quốc tế là địa điểm gom hàng các nơi khác đến và đi. Hãng tàu đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập địa điểm nào làm cảng trung chuyển, vì họ sẽ quyết định trong hải trình vòng quanh thế giới sẽ ghé vào địa điểm nào để trung chuyển hàng”, lãnh đạo Portcoast nhấn mạnh.

Cần đòn bẩy pháp lý

Dù đánh giá cụm cảng có nhiều thuận lợi và cơ hội, song ông Đỗ Công Khanh vẫn mong muốn có nhiều hơn các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng.

Thực tế, các cảng trong khu vực đang bị chia cắt, chưa tối ưu được chiều dài cầu bến, cầu cảng chưa gắn kết. Ngoài ra, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông.

Cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Theo đại diện Cục Hàng hải VN, cục đang phối hợp với các địa phương để làm tốt quy hoạch cảng biển, nằm trong nhóm trọng điểm Nhóm 4. Hiện nay, Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển đang được Bộ GTVT lấy ý kiến. Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Đồng thời, thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ, thiếu một hệ sinh thái logistics và thiếu hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức. Điều đó khiến chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.

Đặc biệt, để cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế, ông Khanh cho rằng cần có đòn bẩy pháp lý, là các cơ chế, chính sách mang tính đột phá.

“Cần dỡ bỏ các rào cản về chính sách, thủ tục tạo thuận lợi cho hàng hóa trung chuyển tại cụm cảng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa, đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan…

Ngoài ra, cần thí điểm triển khai những mô hình cho chức năng trung chuyển như khu vực cảng mở và đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nạo vét tuyến luồng thường xuyên đảm bảo độ sâu cho tàu”, lãnh đạo Gemadept nhận định.

Theo một số doanh nghiệp, một trong những điểm yếu hiện nay là sản lượng hàng trung chuyển chiếm tỷ lệ chưa cao, dưới 10% và chưa có sự kết nối các bến cảng với nhau.

Được biết quy định hiện nay, để chuyển hàng liên cảng, các doanh nghiệp phải làm một số thủ tục như mở tờ khai vận chuyển độc lập, bấm seal hải quan đối với container có hàng.

Một doanh nghiệp cho rằng, các thủ tục chưa linh động khiến thời gian làm hàng lâu, có thể dẫn đến rủi ro không nối kịp tàu. Khi năng suất chuyển cảng thấp, sẽ làm các hãng tàu e dè trong việc tăng sản lượng hàng trung chuyển ở Cái Mép.

Hiện nay, sản lượng hàng trung chuyển từ Campuchia đang ở khoảng 300.000 Teus/năm, chiếm tỷ trọng cao với mức bình quân 70% tổng sản lượng hàng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện không được chuyển cảng với hàng nhập khẩu và hàng quá cảnh từ Campuchia chuyển tải ở Cái Mép.

Theo thông tin, một số doanh nghiệp cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đã kiến nghị Tổng cục Hải Quan xem xét tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa và tàu cập các bến cảng Cái Mép.

Trong đó, cho phép hàng hóa vận chuyển giữa các bến cảng nước sâu ở Cái Mép và giữa các bến cảng nước sâu với các bến cảng thủy nội địa bằng đường bộ không cần mở tờ khai vận chuyển độc lập và niêm phong hải quan.

Cùng đó, cho phép hàng nhập khẩu và hàng quá cảnh (cụ thể là hàng từ Campuchia) được luân chuyển giữa các bến cảng bằng đường bộ và không cần phải mở tờ khai vận chuyển độc lập và niêm phong Hải quan. Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút thêm lượng hàng trung chuyển quốc tế.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)