Thứ năm, ngày 23/01/2025

Nâng cao chất lượng công tác quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Thứ tư, 16/11/2022 10:06 GMT+7

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị vừa tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe(GPLX) và mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia phạm vi trên toàn quốc”.

Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các phòng tham mưu thuộc Cục Đường bộ Việt Nam cùng với đại diện Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố.

Sau khi nghe báo cáo của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái về thực trạng và giải pháp cho công tác quản lý vận tải, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, các đại biểu tham luận sôi nổi về những vấn đề liên quan. Trong đó, được chú ý hơn cả là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia phạm vi trên toàn quốc.

Bắt đầu từ ngày 15/11/2022, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. Tuy vậy, do khó kết nối dữ liệu, việc nhân rộng phải chuyển đổi hình thức thực hiện. 

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tháng 7/2020 đã thí điểm đổi GPLX cấp độ 4 tại Hà Nội và Hà Nam. Có 10 cơ sở y tế của hai tỉnh, thành này cung cấp giấy khám sức khỏe điện tử. Việc kết nối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông cũng được thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Hà Nội có 10 hồ sơ cấp đổi thành công, còn Hà Nam không có trường hợp nào. Đến tháng 7/2021, việc thí điểm được nhân rộng ra 12 tỉnh, thành phố, tuy nhiên việc kết nối hai loại dữ liệu không có sự thay đổi, chỉ kết nối được dữ liệu của Hà Nội và Hà Nam. Trong đó, có 4 Sở chưa có hồ sơ đăng ký thành công, 8 Sở GTVT chỉ có 131 GPLX được đổi thành công. Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có 20 GPLX được đổi thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nguyên nhân là do thiếu dữ liệu về giấy khám sức khỏe, ngành Y tế chưa mở rộng các cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, số cơ sở y tế vẫn giữ nguyên như giai đoạn thí điểm, hiện mới có 3 cơ sở tại Hà Nội và 8 cơ sở tại Hà Nam thực hiện kết nối. Thêm nữa, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử, người dân phải khám tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày và mất thêm phí chứng thực nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.

Đối với việc kết nối dữ liệu tước quyền sử dụng GPLX của Cục Cảnh sát giao thông, dữ liệu này chưa đầy đủ, nhiều GPLX bị tước không có trong cơ sở dữ liệu, các Sở GTVT vẫn cập nhật thủ công GPLX bị tước vào phần mềm quản lý GPLX. Việc này khiến phải tra cứu thêm trên phần mềm quản lý GPLX. Có trường hợp đã đăng ký thành công trên hệ thống, nhưng do phát hiện GPLX bị tước quyền sử dụng hoặc bị tạm giữ nên không được đổi GPLX.

Từ thực tế này đã có địa phương mày mò tìm cách làm cho riêng mình. Tại Hải Phòng, Sở GTVT đã tự xây dựng phần mềm đổi GPLX trực tuyến cho riêng mình. Các cơ sở y tế của thành phố cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe vào phần mềm này. Dữ liệu xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông thành phố cũng được kết nối với phần mềm.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Phương tiện và người lái, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã linh hoạt triển khai giải pháp song song để thực hiện cùng với Cổng dịch vụ công quốc gia bằng việc xây dựng phần mềm cấp đổi GPLX mức độ 4 để áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố. Phần mềm được chuyển giao cho 39 cơ sở y tế trên địa bàn. Cơ sở y tế sau khi khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe đều phải tải lên phần mềm này. Với cách làm nay, chỉ trong thời gian ngắn, đã có trên 40.000 dữ liệu điện tử của người lái xe và đã cấp đổi trực tuyến thành công 500 GPLX.

Để việc mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia áp dụng trong toàn quốc hiệu quả, ông Lương Duyên Thống cho rằng, dữ liệu GPLX vi phạm trên toàn quốc cần cập nhật thường xuyên, kịp thời, đầy đủ vào phần mềm quản lý và chia sẻ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương cũng cần cung cấp, kết nối dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia. UBND cấp huyện, xã và các phòng công chứng thực hiện chứng thực cấp và gửi bản sao điện tử giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, mỗi năm có khoảng gần 2 triệu GPLX ô tô được cấp đổi. Đến nay, các công việc để phục vụ tốt việc cấp đổi GPLX cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được ngành GTVT hoàn thiện. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe của ngành Y tế.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết mỗi năm có khoảng gần 2 triệu GPLX

ô tô được cấp đổi.  Đến nay, các công việc để phục vụ tốt việc cấp đổi

GPLX cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được ngành GTVT hoàn thiện.

Khẳng định không thể chờ kết nối được dữ liệu mới triển khai mà phải đi trước, ông Cường cho rằng, từ cách làm của Hải Phòng có thể nhân rộng ra toàn quốc. “Với cách làm của Hải Phòng, trong năm 2023, mục tiêu phấn đấu của 63 Sở GTVT trong cả nước phải đạt khoảng 200.000, bằng 10% số GPLX được đổi trực tuyến cấp độ 4”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, từ kinh nghiệm của Hải Phòng, các tỉnh, thành phố kết nối cơ sở dữ liệu giấy khám sức khỏe trên địa bàn với Cổng thông tin của tỉnh. “Trước mắt chưa truyền về Công dịch vụ quốc gia, có thể truyền về Sở GTVT, kết hợp với tra cứu dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT tỉnh để đổi GPLX. Giải pháp trước mắt là thực hiện theo cách này, khi Bộ Y tế có dữ liệu giấy khám sức khỏe được kết nối sẽ thuận lợi hơn”, ông Cường nói.

Vì sao phải kết nối dữ liệu?

Theo ông Lương Duyên Thống, để triển khai thành công dịch vụ công mức độ 4 đổi và cấp mới GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì các dữ liệu khám sức khỏe người lái xe của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phải được kết nối tích hợp dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Khi người dân có nhu cầu đổi GPLX trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cán bộ cấp đổi sẽ tra cứu dữ liệu sức khỏe và có vi phạm giao thông hay không. Sau khi hoàn thành các công đoạn này, các thủ tục của người dân hợp lệ sẽ được cấp đổi GPLX và được trả GPLX qua đường bưu điện.

P.V

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)