Thứ bảy, ngày 11/01/2025

VIMC cần quyết tâm thực hiện hoàn thành vư­ợt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022

Thứ hai, 04/07/2022 09:45 GMT+7

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi làm việc cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về Đề án cơ cấu lại VIMC và một số nội dung quan trọng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc VIMC cho biết, về kết quả sản xuất – kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải biển hợp nhất toàn Tổng công ty ước đạt 10.725 nghìn tấn, sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 63.328 nghìn tấn, doanh thu hợp nhất ước đạt 7.263 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.441 tỷ đồng.

Theo báo cáo, lĩnh vực khai thác cảng biển vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quá kinh doanh cao nhất cho VIMC trong năm 2021 với các chi tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.588 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC), trong đó một số càng kết quả nổi bật như: Cảng Sài Gòn, Cảng Quy Nhơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng khối cảng biển ước đạt 63,328 triệu tấn, lợi nhuận ước đạt 782,79 tỷ đồng.

Trong năm 2021, VIMC cùng các doanh nghiệp thành viên theo sát diễn biến thị trưởng, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Khối vận tải biển đã đạt được mức lợi nhuận rất tốt, đóng góp tích cực vào kết quả chung của VIMC. Lợi nhuận của khối năm 2021 đạt 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Một số đơn vị đạt kết quả nổi trội như các công ty Vosco, Vinaship, Biển Đông. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối vận tải biển tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, ước đạt lợi nhuận đạt 612,92 tỷ đồng, bằng 72,59% kế hoạch năm 2022.

Năm 2021, khối dịch vụ hàng hải vượt kế hoạch được giao về doanh thu (đạt 2.628 tỷ đồng – tăng 58% so với kế hoạch) và lợi nhuận (đạt 57,5 tỷ đồng – tăng 14,4%% kế hoạch). Doanh thu toàn khối tăng do một số doanh nghiệp như Vosa, VIMC Logistics do triển khai thêm được dịch vụ và giá vận chuyển tăng. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành và vượt kế hoạch được giao năm 2021 cả về doanh thu và lợi nhuận như Vosa, VIMC Logistics, CPI, CMB, Vijaco…

Trong bối cảnh thị trường liên tục biến động do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, VIMC đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Nhờ đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp marketing online, năm 2021 khối cảng biển của VIMC đã thu hút thêm được 13 tuyến dịch vụ container mới từ các hãng tàu lớn như Maersk, MSC, CMA-CGM, Cosco, ZIM, … về các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, SSIT, CMIT.

Trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, VIMC ký kết và trao Thỏa thuận khung Hợp tác với hãng tàu MSC (hãng tàu container lớn thứ nhất trên thế giới) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics. Thỏa thuận khung đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VIMC và MSC, mở ra cơ hội để hai bên cùng hợp tác phát triển các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển nhằm thu hút nguồn hàng trong khu vực, kết nối Việt Nam với các cảng biển trên thế giới.

Tháng 11/2021, VIMC hợp tác cùng hãng tàu ZIM mở tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ. Tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ với thời gian vận chuyển cạnh tranh, rút ngắn thời gian vận chuyển so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Klang được hơn 10 ngày so với trước đây. Đồng thời, với việc mở vận tải container bằng đường biển tuyến xa của ngành hàng hải, Việt Nam sẽ chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.

Tại buổi làm việc, đại diện VIMC cũng đưa ra những kiến nghị liên quan tới công tác xây dựng đề án cơ cấu lại VIMC, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, công tác thoái vốn, giảm vốn, tăng vốn điều lệ tại các doanh nghiệp có vốn góp và công tác phát triển đội tàu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo của VIMC, ý kiến đóng góp của các Vụ chức năng, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, người lao động của Tổng công ty, mặc dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt có những thời điểm và một số thị trường bị đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 của VIMC đạt và vượt mức kế hoạch được giao.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải của VIMC tiếp tục đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức. Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VIMC tập trung bám sát, nhận diện và phân tích môi trường ngành của phân ngành vận tải (đường biển quốc tế, nội địa, cơ sở hạ tầng logistic, dịch vụ logistic…); phân tích, cơ cấu, phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, theo phân ngành kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng biến động của thị trường.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh Mặt giao nhiệm vụ cho Nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC nghiên cứu thực hiện, kịp thời báo cáo, kiến nghị theo thẩm quyền về việc thực hiện nội dung văn bản số 491/UBQLV-CNHT ngày 19/4/2022 về việc tham gia ý kiến và biểu quyết tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện hoàn thành (hoặc vượt) các chỉ tiêu chủ yếu về Hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư – phát triển năm 2022 đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông Công ty mẹ.

Về công tác xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm và Đề án cơ cấu lại VIMC, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu Tổng công ty khẩn trương tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, biểu mẫu hướng dẫn của Ủy ban, phối hợp hoàn thiện nội dung Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất – kinh doanh và đầu tư – phát triển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)