Tin từ Cục Hàng hải VN, trong 10 năm triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi 2010 (Công ước STCW 1978/2010), số lượng thuyền viên của Việt Nam đã có sự tăng trưởng.
Theo đó, tính tới 1/10/2022, số lượng thuyền viên Việt Nam khoảng hơn 54.000 thuyền viên, tăng hơn 11.000 thuyền viên so với năm 2012 (gần 43.000 thuyền viên).
Trong 10 năm, số lượng thủy thủ, thợ máy của Việt Nam tăng,
trong khi số lượng sỹ quan lại có phần giảm sút. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, số lượng thuyền viên tăng nhưng lại chủ yếu tăng ở chức danh thủy thủ và thợ máy, trong khi số lượng sỹ quan lại sụt giảm.
Cụ thể, số lượng đào tạo sỹ quan vận hành đạt khoảng 1.503 người và sỹ quan quản lý đạt 1.282 người vào năm 2012 thì tới năm 2022, con số tương ứng là 1.035 sỹ quan vận hành và 702 sỹ quan quản lý.
Số lượng đào tạo cho hai chức danh này cao điểm nhất vào năm 2015, khi sỹ quan quản lý đạt 1.118 người và sỹ quan vận hành đạt 1.706 người.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, kết quả này bởi trong quá trình triển khai Công ước STCW 1978/2010 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Số liệu đào tạo sỹ quan hàng hải trong 10 năm cho thấy,
số lượng đào tạo đã sụt giảm. Nguồn: Cục Hàng hải VN
Cụ thể, hàng hải là ngành đặc thù, môi trường làm việc khắc nghiệt, vất vả, phải xa gia đình, thu nhập còn chưa cao hơn so với các ngành nghề khác. Điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh, thiếu hụt về nguồn nhân lực hàng hải.
Mức lương cho các thuyền viên cấp thấp nhất của Việt Nam hiện khoảng 10-13 triệu đồng/tháng, tùy từng chủ tàu và tùy các chặng đi tàu. Một số doanh nghiệp hiện cũng đã trả mức lương cho thuyền viên cấp thấp cao hơn để tiệm cận quốc tế, vào khoảng 16-23 triệu đồng.
Ngoài ra, một trong những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Công ước STCW 1978/2010 là việc các hệ thống pháp luật có liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, điều này dẫn đến thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây sự lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thực thi các cơ chế, chính sách.
"Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn nguyên nhân chủ quan khi một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải chưa theo kịp sự phát triển nhanh, mạnh của kinh tế - xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý hàng hải", vị này nhận định.
Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về hàng hải cũng được đánh giá đôi lúc còn chưa chủ động để đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Nguồn lực cho công tác này còn thiếu, chưa đồng đều về chất lượng giữa bối cảnh tăng trưởng vận tải hàng hải ở mức cao và hạ tầng ngành hàng hải chưa đảm bảo với đòi hỏi của nhu cầu phát triển.