Các ngân hàng của Ấn Độ chần chừ trong việc cho vay đối với các nhà sản xuất ô tô điện vì lo ngại khả năng thanh toán, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu đầy tham vọng của Ấn Độ.
Các công ty xe buýt bị “trói tay”
Ấn Độ muốn triển khai 50.000 xe buýt điện theo từng đợt trong vòng 4 - 5 năm tới
với chi phí ước tính 1 nghìn tỷ rupess (tương đương 12 tỷ USD)
Theo kế hoạch, Ấn Độ muốn triển khai 50.000 xe bus điện theo từng đợt trong vòng 4 - 5 năm tới với chi phí ước tính 1 nghìn tỷ rupess (tương đương 12 tỷ USD).
Tính đến nay, có 6.740 xe bus điện đã được chính quyền liên bang chấp thuận cung cấp các khoản hỗ trợ đối với các hạ tầng liên quan, trong đó gần 1/3 số xe đã được triển khai ở các bang.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng các ngân hàng chần chừ cho vay. Lý do là bởi theo một quan chức ngân hàng cấp cao giấu tên, họ đã gặp rất nhiều rủi ro khi cho các nhà sản xuất ô tô vay tiền sản xuất xe buýt để cung cấp cho Cơ quan Vận tải quốc gia (STUs) - đơn vị đang vận hành khoảng 2.100 xe bus điện trên khắp Ấn Độ - bởi nhiều nhà sản xuất đang gặp khó khăn tài chính, chưa kể thường xuyên bị ép để giữ giá xe ở mức thấp.
Ông Mahesh Babu, Giám đốc điều hành nhà sản xuất xe bus điện Switch Mobility cho biết: “Hầu hết các hợp đồng liên quan tới STUs đều bị các ngân hàng coi là nguy cơ”.
Vì thiếu vốn nên các nhà sản xuất ô tô điện tham gia các gói thầu của chính phủ liên bang để cung cấp xe cho các bang, gần như “bị trói tay”, đe dọa làm chậm kế hoạch điện hóa vận tải công cộng Ấn Độ.
Việc hỗ trợ tài chính cho xe buýt diesel an toàn hơn vì trong trường hợp hãng xe phá sản, ngân hàng có thể tịch thu tài sản và dễ dàng bán ra thị trường.
Tuy nhiên, các loại xe buýt điện cần hệ thống sạc và nhiều hạ tầng khác nên có thể khó bán hơn bởi không phải địa phương nào cũng được trang bị hạ tầng tốt cho xe điện.
Các thành phố Ấn Độ đang phát triển lộ trình để chuyển đổi sang xe buýt điện nhưng vấn đề lớn nhất là xe điện không hề rẻ. Mỗi một chiếc ô tô điện có giá khoảng 12,5 triệu rupees (tương đương 151.138 USD), cao hơn khoảng 5 lần đối với một chiếc xe diesel.
Mục tiêu giảm khí thải khó thành
Khói bụi dày đặc bao trùm Thủ đô New Delhi
Lượng khí thải từ ngành giao thông đường bộ Ấn Độ chiếm 13% tổng khí thải carbon tại Ấn Độ. Trong đó, xe buýt là một trong những loại hình giao thông công cộng có quy mô đáng kể nhất tại Ấn Độ và các doanh nghiệp vận tải Nhà nước đang sở hữu, vận hành khoảng 150.000 xe buýt, vận tải 70 triệu lượt khách mỗi ngày.
Kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố mục tiêu khí hậu mới tại Hội nghị COP26 - cam kết cắt giảm khoảng 1 tỷ tấn khí thải carbon tính đến năm 2030 và sẽ tiến tới mục tiêu Net-zero (cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0) nhất có thể, tính đến năm 2070, nhiều thành phố Ấn Độ ưu tiên chuyển đổi sang công nghệ điện, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Việc cắt giảm khí thải đang ngày càng cấp bách khi tình hình ô nhiễm đang ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân.
Ban kiểm soát ô nhiễm liên bang của Ấn Độ đã ra lệnh cho các tiểu bang và cơ quan địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng khói bụi ngày càng tồi tệ ở Thủ đô.
New Delhi thường bị xếp vào hạng là Thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những yếu tố khiến New Delhi phải đối mặt với mức ô nhiễm không khí tồi tệ.