Chủ nhật, ngày 29/12/2024

Tập trung các giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông trong lực lượng bộ đội biên phòng

Thứ sáu, 13/01/2023 09:02 GMT+7

Do đặc thù công tác, các cơ quan, đơn vị BĐBP đóng quân trên địa bàn rộng, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên phân tán, tỉ lệ cán bộ sử dụng xe mô tô 2 bánh và mật độ cán bộ, chiến sĩ tham gia giao thông đường bộ rất cao. Điều đó làm gia tăng nguy cơ rủi ro khi tham gia giao thông. Do đó, nâng cao ý thức chấp hành quy định về trật tự,an toàn giao thông (TTATGT) cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP được xác định là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Mỗi quân nhân cần tự nâng cao nhận thức, chấp hành Luật Giao thông đường bộ,
sử dụng phương tiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, Cục Kỹ thuật BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trong BĐBP đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50), tăng cường các biện pháp trong quản lý, khai thác và sử dụng phương tiện, trang bị, vật tư, kinh phí nhằm bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, an toàn. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm tối đa các vụ tai nạn giao thông, trọng tâm là các đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trong năm 2022, Cục Kỹ thuật BĐBP đã báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chỉ đạo 50 BĐBP phê duyệt, ban hành, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện 17 văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT, Kế hoạch triển khai Đề án bảo đảm TTATGT đường bộ trong BĐBP giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT, xây dựng đơn vị điểm về an toàn giao thông...

Tuy nhiên, trong năm 2022, toàn lực lượng BĐBP vẫn còn để xảy ra một số vụ tai nạn, mất an toàn giao thông. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì các vụ mất an toàn giao thông xảy ra do lỗi chủ quan. Một trong số những nguyên nhân là do nhận thức, ý thức chấp hành các quy định, chế độ, Luật Giao thông đường bộ của một số quân nhân chưa nghiêm. Một số đơn vị thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đối với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia...

Để nâng cao ý thức chấp hành quy định về TTATGT cho cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP, Đại tá Phạm Văn Thương, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Cục Kỹ thuật BĐBP cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TWngày 4/9/2012của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đặc biệt, các đơn vị phải tập trung thực hiện, quản lý, sử dụng xe mô tô theo Chỉ thị số 25/CT-TM ngày 12/5/2003 và Chỉ thị số 52/CT-TM ngày 24/10/2005 của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng quy định (có cằm) đối với người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông...

Bên cạnh đó, cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và người chỉ huy. Có chủ trương, giải pháp đồng bộ quyết liệt, cụ thể đảm bảo TTATGT, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan xuống mức thấp nhất. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ khi ra khỏi đơn vị các dịp lễ, Tết, trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, nhất là vi phạm các quy định đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ và những xe quân sự xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia giao thông. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện quân sự, phương tiện cá nhân của quân nhân, công nhân viên quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian nghỉ. Mỗi đơn vị phải có quy định cụ thể, cam kết từng cá nhân về những nội dung phấn đấu bảo đảm TTATGT.

Theo Đại tá Phạm Văn Thương, cùng với quản lý việc sử dụng phương tiện, các đơn vị cần thường xuyên bồi dưỡng, bổ túc nâng cao trình độ gắn với rà soát, đánh giá chất lượng chuyên môn, kỹ thuật hằng năm đối với đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong quân nhân, văn hóa giao thông. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT; ký giao ước đảm bảo TTATGT giữa các đơn vị đóng quân trên địa bàn.

“Chỉ huy các đơn vị chủ động phối hợp, kiểm tra, xác minh kịp thời từng vụ việc mất an toàn giao thông do lỗi chủ quan hay khách quan để xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm và liên đới đúng mức, chính xác, kịp thời, gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm, để mất an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng” - Đại tá Phạm Văn Thương đề xuất.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm ở các cấp, gắn công tác bảo đảm TTATGT với phong trào thi đua Quyết thắng của đơn vị và trách nhiệm của người chỉ huy, coi đây là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng, BĐBP trong công tác quản lý, sử dụng xe ô tô, mô tô quân sự; gắn trách nhiệm liên đới của chỉ huy đối với các vụ việc do nguyên nhân chủ quan theo quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nguồn: Báo Biên phòng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)