Thị trường lao dốc
Dữ liệu từ chuyên trang phân tích hàng hải Drewry, chỉ số container thế giới - World Container Index (WCI) vẫn đang tiếp tục đà giảm. Mức giảm hiện đã lên tới 78% so với cùng thời điểm năm 2021.
Bất chấp cước vận tải giảm, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận tải biển vẫn báo lãi
Theo đó, mức MCI là 2.047 USD/container 40’, hiện thấp hơn 80% so với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021. Con số này thấp hơn 24% so với mức trung bình 10 năm là 2.694 USD.
Điều này cho thấy xu hướng giá cước vận tải biển đang quay trở lại mức giá bình thường, nhưng vẫn cao hơn 46% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.
Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển báo giảm lợi nhuận kinh doanh quý IV.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý IV/2022 của Vinaship đạt 32,2 tỷ đồng, thấp hơn so với quý IV/2021.
Tương tự, trong quý IV/2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của “anh cả đỏ” vận tải biển là Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có tổng doanh thu đạt 641,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các quý trước.
Chỉ số container thế giới (WCI) cung cấp các đánh giá hàng tuần về giá cước vận chuyển container, ước tính giá kỳ hạn hàng ngày và một ngân hàng lịch sử biến động giá.
WCI là báo cáo về giá thị trường thực tế có nguồn gốc từ một nhóm quốc tế gồm những người tham gia thị trường. Chỉ số này là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với tất cả các tổ chức tham gia hoặc tiếp xúc với thị trường vận tải đường biển bằng container; thông qua tính minh bạch của thị trường, nó tạo ra cơ hội phát hiện giá kỳ hạn và quản lý rủi ro mà trước đây chưa có.
Cả năm vẫn lãi lớn
Việc kinh doanh 2 tàu dầu mang lại nguồn lợi nhuận tốt cho "anh cả đỏ" Vosco
Trong quý IV/2022, trong khi thị trường tàu container xuống dốc thì thị trường tàu dầu lại có được những kết quả khả quan. Có thời điểm, giá thuê một ngày của tàu dầu dao động khoảng 30.000 - 40.000 USD/ngày.
Đáng chú ý, bất chấp giá cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên toàn cầu và kết quả kinh doanh quý IV không mấy khả quan, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vận tải biển vẫn thông báo kết quả kinh doanh năm 2022 khá tích cực.
Cụ thể, Vosco có kết quả lợi nhuận sau thuế kinh doanh hợp nhất cả năm 2022 đạt 487,9 tỷ đồng.
Đại diện Vosco cho biết: Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã bù được hết số lỗ lũy kế và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 605,59 tỷ đồng, cao hơn 67 tỷ so với năm 2021. Tuy nhiên sau khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế năm 2022 thấp hơn năm 2021.
Công ty CP vận tải biển Vinaship cũng thông báo kết quả kinh doanh với năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Vinaship đạt 251,5 tỷ đồng, cao hơn 73,6 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong khi đó, Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng không kém trong năm 2022. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đạt 1.050 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021.
Với Công ty CP Hàng hải Đông Đô (Đông Đô Marine), năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này là 57,8 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2021.