Thứ sáu, ngày 10/01/2025

Khai thác hoạt động liên vận quốc tế mang lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp

Thứ năm, 13/04/2023 08:21 GMT+7

Từ kinh nghiệm khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, Đường sắt VN kiến nghị đầu tư hạ tầng ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Tàu container liên vận quốc tế tại ga Kép

Những ngày đầu tháng 4/2023, sau hơn 1 tháng chính thức đưa vào khai thác chạy tàu liên vận quốc tế, ga Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) nhộn nhịp xe container ra vào.

Xe cẩu khẩn trương bốc xếp container để chuẩn bị cho chuyến tàu tiếp theo xuất hàng sang Trung Quốc.

Ông Nghiêm Xuân Hưởng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, trước đây khi chưa đưa ga Kép khai thác hoạt động liên vận quốc tế, hàng xuất nhập khẩu bằng đường sắt của Bắc Giang phải khai báo thủ tục xuất nhập tại hải quan ga Đồng Đăng hoặc ga Yên Viên, sau đó dỡ hàng đi bằng đường bộ về nhà máy, mất nhiều thời gian, tăng chi phí.

“Việc ga Kép khai thác hoạt động liên vận quốc tế mang lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp và hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho Bắc Giang và tỉnh lân cận, giúp giảm chi phí logistics. Khi đó, Bắc Giang giống như mở được một cửa khẩu quốc tế”, ông Hưởng nói.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, đưa ga Kép vào khai thác liên vận quốc tế lợi đủ đường: Giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục hải quan tại ga Yên Viên, nghĩa là giảm chi phí lưu kho bãi; giảm chi phí vận chuyển đường ngắn bằng đường bộ từ ga về kho.

“Chỉ tính riêng chi phí vận chuyển đường ngắn từ ga Kép về nhà máy khu vực Bắc Giang so với từ ga Yên Viên đi đã giảm được 35-40%. Còn nếu đi khu vực Cái Lân (Quảng Ninh) còn giảm nữa”, vị đại diện cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty Ratraco - một doanh nghiệp khai thác vận tải logistics hàng liên vận quốc tế cho biết, dù ga Kép mới được đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế nhưng sản lượng đã đạt khoảng 600 container.

“Về hiệu quả chi phí logistics, hiện đang giai đoạn đầu khai thác, tập trung quảng bá nên Ratraco đang phối hợp với các đối tác giảm lợi nhuận, từ đó giảm tổng chi phí để điều tiết luồng hàng cũ, thu hút khách hàng mới đến ga. Do vậy bài toán chi phí logistics chưa có tính cụ thể”, ông Thanh cho hay.

Ông Thanh cho biết thêm, việc vận chuyển hàng nhập từ Nam Ninh (Trung Quốc) về bằng đường bộ, thời gian mất vài ngày. Trường hợp xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu đường bộ thì thời gian chờ đợi, vận chuyển sẽ kéo dài, phát sinh chi phí.

Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường sắt từ Nam Ninh về ga Kép, thời gian có thể rút ngắn còn 1 ngày.

“Ga Kép có đường sắt khổ 1.435mm trùng với khổ đường sắt Trung Quốc nên toa xe tiêu chuẩn từ Trung Quốc sang có thể xếp hàng đi ngay”, ông Thanh nói và cho rằng, từ mô hình ga Kép cần thiết đầu tư hạ tầng, mở thêm các ga liên vận quốc tế sâu trong nội địa để giảm ách tắc, chờ đợi thủ tục hải quan cho hàng xuất nhập tại các ga cửa khẩu biên giới.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ga Kép là một trong các ga đường sắt đã đưa vào “Phương án nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt” trình cấp có thẩm quyền.

Mục tiêu đưa cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt vào sâu trong nội địa tại các địa phương để giảm thời gian, chi phí vận tải; tăng thuận lợi cho kết nối và hoạt động logistics, từ đó tăng sản lượng, thị phần vận tải đường sắt.

Theo khảo sát, ước tính tỷ trọng về khối lượng hàng qua ga Đồng Đăng khoảng 65-70%, qua ga Lào Cai khoảng 30-35%. Trong đó, tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng, sản lượng đến năm 2030 dự kiến khoảng 3 triệu tấn vào năm 2030.

Tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai, sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn. Như vậy, tính trên hai hành lang vận tải Bắc - Nam, Đông - Tây, nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến năm 2030 lên đến 4 - 5 triệu tấn/năm.

Để có thể đáp ứng nhu cầu này, theo Tổng công ty Đường sắt VN, cần đầu tư các ga hàng hóa, xây dựng bãi hàng đủ tiêu chuẩn vận hành container và các nhà kho đủ tiêu chuẩn lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu để tổ chức vận tải liên vận quốc tế.

Theo đó, giai đoạn 2022-2025, đối với các ga liên vận quốc tế hiện có, cần tiến hành cải tạo, nâng cấp hạ tầng các ga để tăng năng lực thông quan, xếp dỡ hàng container tại ga Đồng Đăng, Lào Cai, Sóng Thần.

Đầu tư nâng năng lực ga Kim Liên, ga Diêu Trì, ga Trảng Bom trên tuyến Bắc - Nam; ga Vật Cách trên tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên 2 hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây theo lộ trình quy hoạch mạng lưới đường sắt đã duyệt, ưu tiên các ga tại đầu mối Hà Nội: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Yên Viên, tại đầu mối TP.HCM: ga Trảng Bom.

“Về phương tiện, chúng tôi sẽ chủ động đầu tư đầu máy và hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt thuê, đầu tư toa xe, thiết bị xếp dỡ”, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN nói.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)