Vừa qua, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp triển khai dự án đầu tư tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sau khi nghe báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT, ý kiến của 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên và ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:
- Sự cần thiết đầu tư: Hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là động lực phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Sông Hồng. Cả hai tỉnh đều thuộc trục tam giác kinh tế: Hưng Yên nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, Hà Nam nằm giữa Hà Nội và khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn - Thanh Hoá. Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đang triển khai tiếp đoạn từ Đình Vũ đến Lạch Huyện, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện đang thi công và các dự án đường cao tốc tiếp theo: Ninh Bình - Thanh hoá, Thanh Hoá – Vinh ... cũng đang được nghiên cứu nhằm hoàn chỉnh dần tuyến đường trục cao tốc Bắc - Nam. Hiện tại chỉ có 2 tuyến đường kết nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là Quốc lộ 38 và Quốc lộ 10, cả 2 tuyến này là quốc lộ cũ có quy mô và tiêu chuẩn thấp nên khi 2 tuyến cao tốc trên đưa vào khai thác sử dụng sẽ không đáp ứng được năng lực vận tải kết nối. Vì vậy, việc Chính phủ đầu tư tuyến đường bộ mới nối 2 đường cao tốc trên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu giao thông và phát triển KT-XH khu vực.
- Hướng tuyến và quy mô xây dựng: Bộ GTVT cơ bản thống nhất điểm đầu tuyến là nút giao QL39 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc tỉnh Hưng Yên, tuy nhiên tư vấn cần nghiên cứu thêm phương án theo hướng tách hẳn QL39 để làm cơ sở so sánh. Điểm cuối là nút giao Liêm Tuyền trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc tỉnh Hà Nam.
Các điểm khống chế theo phương án 1 của tư vấn đề xuất: Tuyến đi phía trái QL39, cách thành phố Hưng Yên từ 2 đến 4 Km, đi qua Đại học Văn hoá Phố Hiến, vượt sông Hồng và đi trùng với hướng tuyến quy hoạch ĐT499 đến nút giao Liêm Tuyền. Riêng đoạn vượt sông Hồng nghiên cứu 2 phương án: Cắt tuyến đường quy hoạch ĐT.499 tại Km17+380 hoặc Km20 + 839, ưu tiên lựa chọn phương án cầu vượt sông ngắn; tuy nhiên cần nghiên cứu và phân tích kỹ điều kiện thuỷ văn, địa chất để so sánh giữa phương án xây dựng cầu cạn hoặc phương án xây dựng đường đắp cao phải xử lý nền đất yếu.
- Quy mô dự án:
+ Thiết kế theo đường cấp 2 (Tiêu chuẩn 4054-05) có quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe, giải phóng đền bù đủ cho 6 làn. Giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, giải phóng mặt bằng vĩnh viễn từ chân ta luy thiết kế ra mỗi bên 10m. Các yếu tố hình học của tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp cao. Lưu ý trong phương án phân kỳ đầu tư không để làn chờ ở giữa.
+ Cầu vượt sông Hồng: Nghiên cứu 2 phương án với quy mô: 6 làn xe và 4 làn xe (Gồm 2 làn chờ hoặc phương án phân kỳ làm thành 2 cầu riêng biệt). Kết cấu cầu: So sánh 3 phương án dây văng, cầu vòm ống thép nhồi bê tông, đúc hẫng cân bằng.
Dự án sẽ được phân chia làm 2 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 đầu tư xây dựng tuyến đường từ Nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tới chân cầu vượt sông Hồng (Địa phận tỉnh Hưng Yên) giao cho tỉnh Hưng Yên là Chủ đầu tư; tiểu dự án 2 đầu tư xây dựng cầu Vượt sông Hồng và tuyến đường từ cầu vượt sông Hồng đến nút giao Liêm Tuyền (Địa phận tỉnh Hà Nam) giao cho tỉnh Hà Nam là Chủ đầu tư.
- Nguồn vốn: Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam và Hưng Yên báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án, bao gồm cả việc huy động nguồn vốn theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân cùng làm).
ĐT