Ngày 28/6, hãng tin RT dẫn phát biểu của Bộ trưởng Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari tại cuộc họp báo diễn ra một ngày trước, cho biết tổng chiều dài mạng lưới cao tốc của quốc gia này đã tăng 59% kể từ khi Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014.
Theo ông Gadkari, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có mạng lưới cao tốc lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Hiện tổng chiều dài mạng lưới cao tốc của Ấn Độ đạt 145.000km.
Theo hãng tin RT, khoảng 10.500-11.500km đường bộ sẽ được xây dựng tại Ấn Độ trong năm tài chính 2023 và dự kiến con số tương đương cũng sẽ được thực hiện trong năm tài chính 2024.
Ảnh minh họa (Ảnh: Hindustan Times)
Ông Gadkari cho biết thêm, doanh thu từ phí sử dụng đường bộ đã tăng gấp 9 lần, thời gian chờ đợi tại các trạm thu phí giao thông đã được rút ngắn đáng kể trong cùng giai đoạn trên.
“Thời gian chờ đợi trung bình tại các trạm thu phí giao thông đã giảm từ 734 giây (12 phút) trong năm 2014, xuống còn 47 giây theo thống kê năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng có thể sớm rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn 30 giây trong thời gian tới”, ông Gadkari nói.
Ông Gadkari giải thích sở dĩ đạt được thành tựu trên là nhờ việc quốc gia này đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử FASTag và hệ thống này đã giúp “cách mạng hóa” hoạt động thu phí đường bộ khi chấm dứt giao dịch bằng tiền mặt.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ, quốc gia này đã tiết kiệm được 70 tỷ rupee (853 triệu USD) nhờ hạn chế lãng phí nhiên liệu qua rút ngắn được thời gian chờ đợi tại các trạm thu phí.
Tại họp báo ngày 27/6, ông Gadkari cũng thông báo về kế hoạch thúc đẩy sử dụng xe điện trong 5 năm tới nhằm giảm thiểu phát thải carbon, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch.
Theo báo cáo vào tháng 3 của công ty tư vấn CRISIL, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ là một trong những cơ quan phát triển cơ sở hạ tầng được phân bổ ngân sách nhiều nhất tại quốc gia này, chỉ xếp sau Bộ Đường sắt Ấn Độ.