Thứ năm, ngày 23/01/2025

6 tháng đầu năm 2023, toàn Ngành cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Thứ hai, 10/07/2023 10:21 GMT+7

Chiều nay (10/7), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu truyền hình 80 Trần Hưng Đạo có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Duy Lâm,  Lê Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ tại Hà Nội.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và các đồng chí Thứ trưởng điều hành Hội nghị

Tại 81 điểm cầu truyền hình trực tuyến, có đại diện các cơ quan thuộc Bộ tại các địa phương; lãnh đạo các Sở GTVT toàn quốc.

Các mặt công tác cơ bản hoàn thành theo kế hoạch

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 của toàn Ngành, Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, các mặt công tác của Bộ GTVT trong 06 tháng đầu năm 2023 cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật như: Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo khí thế mới, thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, trách nhiệm, đồng lòng từ trên xuống dưới, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp;  Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; Tiến độ triển khai các dự án cơ bản đảm bảo, các dự án chậm đã dần lấy lại được tiến độ; việc triển khai các dự án đường vành đai đô thị, các dự án cao tốc trục Đông - Tây được Bộ GTVT và các địa phương thực hiện kịp thời, bám sát tiến độ và đã khởi công trong tháng 6/2023; công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đạt được mục tiêu đề ra; Công tác quy hoạch được triển khai hiệu quả, đến nay 5/5 quy hoạch ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực;  Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 03 tiêu chí; ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản được tháo gỡ.


Thủ tướng và các khách mời cắt băng khánh thành cao tốc Mai Sơn - QL 45, 
Phan Thiết - Dầu Giây


Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Mai Sơn-QL45  
và Phan Thiết -Dầu Giây, điểm Thanh Hóa

Báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên, theo Chánh Văn phòng Bộ Uông Việt Dũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ GTVT. Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng thường xuyên chủ trì họp chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung văn bản QPPL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tích cực rà soát, nghiên cứu, tham mưu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế nhiều quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó điển hình là các quy định liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện.


Hội nghị được truyền hình trực tuyến từ Bộ GTVT tới hơn 80 điểm cầu 

Về công tác lập, triển khai quy hoạch, trên cơ sở Tờ trình của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, 5/5 quy hoạch ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ, dự toán làm cơ sở để lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch kỹ thuật có tính chất chuyên ngành các lĩnh vực.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương rà soát toàn diện nội dung các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, đã phối hợp, tham gia ý kiến kịp thời các nội dung liên quan trong quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố đáp ứng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.

Về công tác quản lý hoạt động vận tải, với mục tiêu nâng cao hoạt động vận tải, chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa, nhất là từ thiết bị giám sát hành trình; lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải.


Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ
 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2023, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải, sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các dịp cao điểm.

Vận tải hàng hóa tháng 6 ước đạt 186,359 triệu tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 06 tháng ước đạt 1.108,979 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hàng hóa tháng 06 ước đạt 39,3 tỷ tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 06 tháng ước đạt 232,465 tỷ tấn.km, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa 06 tháng năm 2023 so với năm 2022 các ngành: hàng không (-2,2%), đường bộ (+12,7%), đường thủy (+30,8%), đường biển (+13,3%), đường sắt (-26,4%).

Vận chuyển hành khách tháng 06 ước đạt 355,5 triệu lượt khách, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 06 tháng ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hành khách tháng 06 ước đạt 19,8 triệu HK.km tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 06 tháng ước đạt 118,4 tỷ HK.km tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách 06 tháng năm 2023 so với năm 2022 các ngành: hàng không (+26,5%), đường biển (+49,6%), đường sắt (+75,7%), đường bộ (+14,3%), đường thủy (+32,9%).

Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Bộ Công an triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Qua đó, tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm cả 03 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, 06 tháng đầu năm 2023, xảy ra 4.970 vụ, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%).

Tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng

Cũng theo báo cáo của Chánh Văn phòng Bộ GTVT, công tác quản lý tiến độ, chất lượng các dự án luôn được Bộ GTVT đặt lên hàng đầu. Bộ GTVT quán triệt chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhưng tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo, quán triệt đến từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn phải tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy, cách làm, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, bố trí đầy đủ tài chính, trang thiết bị, máy móc, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về vệ sinh, an toàn lao động, an toàn giao thông với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm vượt nắng thắng mưa, khắc phục mọi khó khăn để thi công đáp ứng tiến độ, chất lượng, đảm bảo kỹ, mỹ thuật công trình.

Bên cạnh việc duy trì chế độ giao ban thường xuyên, tham gia các đoàn công tác của Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra các dự án, lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan thuộc Bộ tăng cường kiểm tra, định kỳ hoặc đột xuất đi kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo các địa phương để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác quản lý chất lượng, tiến độ để kịp thời chấn chỉnh các đơn vị có tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng và yêu cầu khắc phục kịp thời.

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT đã tổng hợp báo cáo kịp thời, khách quan, trung thực về tình hình triển khai các dự án, qua đó đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu phục vụ cho các dự án. Song song với đó, Bộ GTVT tiếp thu, giải quyết ngay những vướng mắc, kiến nghị của địa phương; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh/thành phố được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các dự án đường Vành đai hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư và tiến hành khởi công trong tháng 6/2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Phát biểu tại buổi Lễ hôm 18/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết,

việc khánh thành hai đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết
đã  rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho QL1A, đáp ứng nhu cầu đi lại,
thúc đẩy phát triển KTXH, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và

lợi thế của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023 đã đưa vào khai thác sử dụng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; đang tổ chức triển khai thi công các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông GĐ 2021 - 2025 bám sát kế hoạch; đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương là cơ quan chủ quản hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định và đã khởi công các dự án: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu; đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng công trình để phấn đấu khởi công một số dự án vào cuối năm 2023.

Về hàng không, Cảng HKQT Long Thành (GĐ1), Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan quyết liệt triển khai thực hiện theo kế hoạch được chấp thuận; riêng với gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10), đã có văn bản yêu cầu ACV chủ động và chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian thi công gói thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; thường xuyên đôn đốc ACV triển khai thi công dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi,… bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Về đường sắt 02 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch; đã khởi công 03 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với BCNCTKT dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đồng thời, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị, phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 8/2023, hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào cuối năm 2023 và đưa vào vận hành năm 2024.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, Ngành GTVT cũng đã hoàn thành Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ; đang triển khai thi công Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (GĐ2), Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (GĐ2) bám sát tiến độ năm 2023; đã khởi công Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải và Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công Dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - GĐ1 (khu vực phía Nam) vào quý IV/2023…

Về công tác chuẩn bị đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Uông Việt Dũng, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư 60/64 dự án, còn lại 04 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; đã phê duyệt dự án đầu tư 43/60 dự án, còn lại 17 dự án các CĐT/ban QLDA đã lập kế hoạch phê duyệt dự án (hoàn thành phê duyệt 14 dự án trong quý III/2023, 02 dự án trong quý IV/2023 và 01 dự án tạm dừng để rà soát phương án đầu tư), các cơ quan tham mưu thuộc Bộ tiếp tục đôn đốc các CĐT/ban QLDA chủ động lập kế hoạch triển khai dự án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, triển khai đồng thời các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Bộ GTVT thực hiện giao kế hoạch năm và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thực hiện, kế hoạch giải ngân hàng tháng của từng dự án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân; tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án có nguy cơ giải ngân chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ khởi công, hoàn thành, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, dự án có quy mô lớn của ngành. Kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT đều nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ cao so với bình quân của cả nước. Theo đó, tính đến 30/6/2023, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 35.600 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch vốn được giao.

Song song với đó, công tác Công tác quản lý vận hành khai thác và bảo trì các lĩnh vực đã đươc quan tâm kip thời, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý cơ bản dứt điểm các hỏng hóc về kết cấu hạ tầng giao thông. Mặc dù kinh phí hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 40% trung bình các lĩnh vực, tuy nhiên Bộ GTVT đã chỉ đạo các cục chuyên ngành thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất các công trình giao thông, các luồng tuyến hàng hải, đường thủy nội địa có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thông suốt; các điểm đen được xử lý kip thời, các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được ưu tiên và dần được đưa vào kế hoach xử lý.

Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số

Việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ GTVT tiếp tục được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Bộ GTVT đã hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

“Hiện nay, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ cung cấp 291/404 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 72%), trong đó, cung cấp 145 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT; hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 114629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103 nghìn tài khoản sử dụng”, Chánh Văn phòng Bộ thông tin. Đồng thời cho biết thêm, đối với các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, Bộ GTVT thường xuyên được giao bổ sung các nhiệm vụ, thời gian thực hiện ngắn, yêu cầu về an toàn thông tin cao. Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tích cực triển khai và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Đến hết tháng 5/2023, Bộ GTVT đã đã hoàn thành 7/20 nhiệm vụ, đang thực hiện 13/20 nhiệm vụ trong hạn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác Đề án 06 giao.

Theo đó, các cơ quan của Bộ đã phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị Giấy phép lái xe trên VNeID, hoàn thành trong quý II/2023: Cục ĐBVN đã hoàn thành kết nối CSDL GPLX với CSDL quốc gia về dân cư, đã thực hiện đồng bộ khoảng 35 triệu GPLX, trong đó đã hoàn thành đối soát 31,3 triệu (đạt tỷ lệ 90,24%), đang tiếp tục phối hợp với C06 để đối soát 3,6 triệu GPLX còn lại; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe bằng việc hoàn thành mở rộng DVC trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022; tính đến 20/6, hệ thống đã tiếp nhận 8.453 hồ sơ; hoàn thành xử lý, trả kết quả 5.932 giấy phép lái xe cho người dân.

Số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến đổi giấy phép lái xe phát sinh chủ yếu từ tháng 3/2023, sau khi có nhiều cơ sở y tế hoàn thành kết nối cung cấp dữ liệu điện tử khám sức khoẻ người lái xe. Tuy nhiên số lượng hồ sơ thực hiện còn thấp so với dữ liệu khám sức khoẻ được đồng bộ (1044 cơ sở đã kết nối); còn 5/63 Sở GTVT chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến; Triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2: Bộ GTVT đã chỉ đạo các Cục xây dựng phương án triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử, các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo phạm vi quản lý. Cục HKVN đã triển khai thí điểm áp dụng việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho khách đi tàu bay từ ngày 01/6 đến ngày 01/8/2023.

Không chỉ vậy, theo ông Uông Việt Dũng, các cơ quan đã phối hợp triển khai ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi tàu bay, đảm bảo toàn trình, tự động tránh ùn tắc theo 02 giai đoạn: Hiện nay, Cục HKVN đang triển khai thí điểm toàn trình xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (từ tháng 2/2023), Nội Bài (từ tháng 4/2023), Phú Bài (từ ngày 13/5/2023). Từ ngày 01/6 chính thức thí điểm tại tất cả các cảng hàng không trong nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, có một số vướng mắc nhất định; tuy nhiên Bộ GTVT và Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này. Đối với hành khách làm thủ tục đi tàu bay, việc xác thực điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiện ích về việc rút ngắn thời gian, giảm thiểu các rủi ro an ninh và nâng cao công tác quản lý tại sân bay trong thời đại chuyển đổi số.

Không còn tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT cho biết, Đầu năm 2023, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội vẫn còn diễn ra nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn nhân lực. Bộ GTVT chủ động nắm bắt tình hình, quyết liệt chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động đăng kiểm để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, có văn bản đề nghị và được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quan tâm, hỗ trợ lực lượng tăng cường tại các trung tâm đăng kiểm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam gấp rút bổ sung nhân sự để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là khối đăng kiểm viên nhằm đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp; các Sở GTVT tăng cường công tác tổ chức đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên nhằm bổ sung lực lượng đăng kiểm viên, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân, doanh nghiệp.

Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương xây dựng và ban hành 02 Thông tư (theo trình tự rút gọn) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Đến nay, hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc và đã trở lại hoạt động bình thường, hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32% đến 45% (tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế là 2700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1610 xe, đạt 60% năng lực; tại Tp Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1355 xe, đạt 68% năng lực). Bên cạnh đó, thay vì tự phát đi đăng kiểm, người dân hình thành thói quen đăng ký trực tuyến để đặt lịch hẹn đăng kiểm, điều này giúp cho ngành đăng kiểm chủ động xắp xếp công việc. Đây cũng là những thói quen tốt đảm bảo cho công tác đăng kiểm hoạt động khoa học hơn. Đồng thời, việc thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT và Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT cũng đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa xe trước khi đưa đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định.

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến vào Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT do Chánh Văn phòng Bộ trình bày.

Tiếp đó, là các báo cáo tham luận của các cơ quan thuộc Bộ GTVT và một số Sở GTVT. Dự kiến, Sở GTVT Hà Nội có tham luận tại Hội nghị về các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng; Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh có ý kiến về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Sở GTVT Quảng Ninh, Hải Phòng báo cáo nội dung về công tác quản lý vận tải đường bộ;  Sở GTVT Thanh Hóa, Gia Lai, Bà rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, bảo trì KCHTGT; Các Sở GTVT cũng sẽ báo cáo nhiều nội dung về công tác quản lý nhà nước về GTVT trên địa bàn, tình hình triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh...

H.L

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)