Ngày 09/11/2009, Bộ GTVT đã có văn bản số 7806 gửi Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Hà Minh Huệ; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận; Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, với nội dung như sau:
Số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm, mặc dù nhiều biện pháp đã được áp dụng. Chẳng lẽ chúng ta cứ chấp nhận con số trung bình 30 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông mỗi ngày? Tình hình này có thể dẫn đến kết luận các biện pháp đã và đang áp dụng không có hiệu quả?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
1. Tình hình TNGT và những giải pháp đã thực hiện để giảm thiểu TNGT
Tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông luôn là vấn đề bức xúc và nan giải của các Quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu ước tính 1,2 triệu người bị chết và khoảng 50 triệu người bị thương do TNGT, gây thiệt hại ước chừng 518 tỷ USD và nếu các nước không có những chiến lược hành động có hiệu quả thì con số này sẽ tăng 65% trong vòng 20 năm tới, điều đó cho thấy TNGT đang là thách thức của toàn nhân loại, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Trong khu vực 10 nước ASEAN, theo đánh giá của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) năm 2003, có khoảng 70.000 người chết vì TNGT trong đó đứng đầu là Indonesia (30.464 người), Thái Lan thứ hai (13.118 người), Việt Nam thứ ba (11.864 người), Malaysia thứ tư (6.282 người) và dự báo đến 2010 tăng, giảm khoảng 3%-5%. Nếu tính theo quy mô dân số thì tỷ lệ số người chết do TNGT tính trên 100.000 dân của Việt Nam thấp hơn các nước trên: Malaysia là 23,5; Thái Lan là 20,2; Việt Nam là 15,2.
Ở nước ta, TNGT bắt đầu gia tăng vào năm 2001 (tăng 37% so với năm 2000) và diễn biến phức tạp vào năm 2002 (tăng 21,4% so với năm 2001). Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết kịp thời như: Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 14/2002/QH11 của Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 2; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 của Ban bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt và đã thu được kết quả đáng kể. Từ năm 2003 đến 2005 (sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP), mỗi năm trung bình giảm trên 17% số vụ, giảm gần 4% số người chết và giảm trên 25% số người bị thương so với năm trước; trong đó, nhiều địa phương đã thực hiện được mục tiêu giảm TNGT trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Tuy nhiên; việc giảm TNGT chưa bền vững và số người chết vì TNGT vẫn còn ở mức cao; đến năm 2006 -2007, tình hình TNGT bắt đầu có diễn biến phức tạp; đặc biệt là số người chết vì TNGT gia tăng (năm 2006 tăng10,72% và năm 2007 tăng 3,2% về số người chết).
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải với sự phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan đã tham mưu đề xuất trình Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành mới và đã được Chính phủ thông qua tại Nghị Quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông với 7 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, tăng cường công tác cưỡng chế; nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung xóa các điểm đen; giải tỏa và lập lại trật tự hàng lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải; nâng cao chất lượng của đội ngũ lái xe và công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra như bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
2. Các kết quả đã đạt được sau khi thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ:
Năm 2008, nhờ việc thực hiện quyết liệt các giải pháp tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện thành công giải pháp bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; kết hợp với tăng cường cưỡng chế, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT và đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì TNGT đã giảm mạnh trên cả 03 tiêu chí và là năm giảm nhiều số người chết nhất từ trước tới nay, cụ thể: giảm 1.835 vụ TNGT (giảm 12,52%), giảm 1.564 người chết (giảm 11,89%), giảm 2.487 người bị thương (giảm 23,57%) so với năm 2007; đồng thời, là năm có nhiều địa phương giảm TNGT nhất (có 56 địa phương giảm số người chết, 46 địa phương giảm trên 5%), cả 5 thành phố trực thuộc TW đều giảm TNGT, TNGT giảm ngay từ tháng đầu và tất cả các tháng trong năm; chỉ có 7 địa phương số người chết tăng so với năm 2007.
Chín tháng đầu năm 2009 tình hình TTATGT vẫn ổn định, TNGT tiếp tục giảm cả ba tiêu chí: giảm 4,13% số vụ, giảm 1,12% số người chết và giảm 7,28% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2008.
Số liệu trên cho thấy, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và đang giảm dần, các giải pháp đang thực hiện đã phát huy hiệu quả, mà trước hết là đã nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Kết quả này, theo Bộ GTVT là đánh khích lệ khi xét đến một thực tế là trong thời gian qua, việc phát triển, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặt biệt là tai nạn nghiêm trọng vẫn tăng cao; công tác quản lý nhà nước về TTATGT của các ngành chức năng và chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chuyển biến chậm; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và văn hóa giao thông hiệu quả chưa cao; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
3. Các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông:
Để tăng cường cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hoàn thiện và ban hành đầy đủ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008; chuẩn bị các điều kiện cần thiết như tập huấn nghiệp vụ; tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền phổ biến các quy định mới của Luật.
- Hướng dẫn các địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định mới của Luật giao thông đường bộ 2008.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT, nhất là Luật Giao thông đường bộ 2008 theo chủ đề và các văn bản hướng dẫn Luật. Phối hợp chặt chẽ với các Tổ chức chính trị xã hội triển khai sâu, rộng các quy định của Luật Giao thông đường bộ đến tận các khu dân cư với chủ đề “Văn hóa giao thông”.
- Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học, đặc biệt là việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên môtô, xe gắn máy; chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cho học sinh lớp 3; phát cặp phao, dụng cụ nổi cá nhân cho học sinh đi học bằng đò dọc, đò ngang qua sông…
- Tổ chức các đợt cao điểm về tuần tra kiểm soát đường bộ, đường thủy đặc biệt là các dịp lễ, hội và các sự kiện văn hóa, thể thao…; tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; tập trung vào các hoạt động là nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn giao thông như vận tải khách bằng ô tô, vận tải khách du lịch, vận tải hàng hóa đường dài, chở khách ngang sông bằng đò ngang, an toàn trên đường ngang đường sắt…
- Rà soát, bổ sung đầy đủ báo hiệu đường bộ, biển hạn chế tốc độ trên những đoạn đường đèo dốc, nguy hiểm, lắp đặt các hộ lan, rào chắn, xử lý các “điểm đen, đường ngang chưa bảo đảm an toàn”.
- Đôn đốc các địa phương thực hiện giai đoạn 2 Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm và bảo vệ chống lấn chiếm trở lại các khu vực hành lang đã giải tỏa.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hạ tầng giao thông đã được phê duyệt.
- Thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhân rộng các phương án tổ chức giao thông hợp lý, hiệu quả; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình giao thông đô thị.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương có TNGT tăng cao, tình hình TTATGT phức tạp.
Về lâu dài để giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là phải đầu tư phát triển, xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương xứng với sự phát triển của kinh tế xã hội mà trước mắt là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải khách khối lượng lớn đường dài và trong đô thị để giảm sự đi lại bằng phương tiện cá nhân.
Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ đã quan tâm đến hoạt động của ngành giao thông vận tải. Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của đồng chí trong thời gian tới./.