Chủ nhật, ngày 26/01/2025

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa về quy định đối với khu vực nút giao

Thứ hai, 14/08/2023 10:14 GMT+7
Bộ GTVT vừa có Công văn số 8652/BGTVT-KCHT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:

“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi, điều chỉnh khoản 3, Điều 1, Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định đối với khu vực nút giao là chưa phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn kinh phí hỗ trợ để giải phóng mặt bằng khi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ; cho phép cơ quan quản lý đường bộ được triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo giao thông bước 1 ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố Tình huống khẩn cấp về thiên tai các quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 và Thông tư số 43/2021/TTBGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải; xem xét, điều chỉnh tăng định ngạch công tác bạt lề, phát cây, cắt cỏ, sơn sửa cọc tiêu,..., tăng định mức công tác nắn sửa cọc tiêu, cọc MLG, cọc H, sơn dặm vạch kẻ đường, thông cống, thanh thải dòng chảy,...; bổ sung hạng mục chưa có trong định mức tại Thông tư số 44/2021/TTBGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải.”

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT trả lời như sau:

1. Về nội dung: “Xem xét sửa đổi, điều chỉnh khoản 3, Điều 1, Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định đối với khu vực nút giao là chưa phù hợp với thực tiễn”:

Nội dung phản ánh kiến nghị của cử tri liên quan đến quy định về yêu cầu đấu nối vào quốc lộ tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021:

“... b) Có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái và các yêu cầu kỹ thuật khác của nút giao theo yêu cầu của tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô hiện hành;

c) Không đấu nối vào bụng đường cong nằm có bán kính đường cong nhỏ hơn bán kính đường cong tối thiểu thông thường theo cấp đường quy hoạch; lưng đường cong có bố trí siêu cao; trong đoạn đường dốc có độ dốc dọc lớn hơn độ dốc dọc lớn nhất theo cấp đường đang khai thác; trong khu vực địa hình không bảo đảm tầm nhìn lái xe.

3. Thiết kế nút giao đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô, đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thông hành của quốc lộ. ...”

Theo quy định khi thiết kế nút giao, phải có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái và các yêu cầu kỹ thuật khác của nút giao theo yêu cầu của Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô hiện hành nhằm đảm bảo hạn chế điểm xung đột dòng xe và để việc gia tăng lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến không ảnh hưởng đến khả năng thông hành tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác; do vậy việc kết nối giao thông bổ sung trong quá trình khai thác của tuyến đường vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô. Tuy nhiên, tùy thuộc vị trí nút giao khi đấu nối, lưu lượng xe trên đường chính và đường phụ để thiết kế các loại nút giao theo quy định tại mục 11 Tiêu chuẩn Việt Nam 4054:2005 Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế cho phù hợp hiện trạng.

Như vậy quy định các yêu cầu và nguyên tắc chung khi thiết kế nút giao quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên quốc lộ. Đối với từng trường hợp cụ thể, tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao sử dụng điểm đấu nối sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh cho phù hợp tuân thủ các quy định nêu trên.

2. Về nội dung: “Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn kinh phí hỗ trợ để giải phóng mặt bằng khi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ”:

Ngày 15/6/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 60/2017/TTBTC; trong Thông tư có quy định tại khoản 3 Điều 2 (có bố trí chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm giao thông). Đối với những công trình khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm giao thông trên lĩnh vực đường bộ mà phải cần hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đề nghị thực hiện theo Thông tư nêu trên. Do vậy, không cần sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn kinh phí hỗ trợ để giải phóng mặt bằng khi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ như kiến nghị nêu trên của cử tri.

3. Về nội dung: “Cho phép cơ quan quản lý đường bộ được triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo giao thông bước 1 ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố Tình huống khẩn cấp về thiên tai các quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 và Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải.”

Theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021, toàn bộ các nội dung khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 đều được thực hiện theo quy trình xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai (theo đó, sau khi cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp, ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, các đơn vị quản lý đường bộ mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai ngoài hiện trường), dẫn đến công tác triển khai thực tế để khắc phục hậu quả thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc của hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai.

Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri và sẽ nghiên cứu đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải, theo kế hoạch ban hành trong tháng 08/2023.

4. Về nội dung: “Xem xét, điều chỉnh tăng định ngạch công tác bạt lề, phát cây, cắt cỏ, sơn sửa cọc tiêu, ..., tăng định mức công tác nắn sửa cọc tiêu, cọc MLG, cọc H, sơn dặm vạch kẻ đường, thông cống, thanh thải dòng chảy, ...; bổ sung hạng mục chưa có trong định mức tại Thông tư số 44/2021TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải.”

Việc sửa đổi, bổ sung các định mức bảo dưỡng thường xuyên trong quá trình thực hiện cho phù hợp thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước là cần thiết và phải được thực hiện trên cơ sở tiêu hao sản xuất như nhân công, vật liệu, máy móc thiết bị theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Theo báo cáo của Cục ĐBVN1 , trong quá trình thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các đơn vị quản lý đường bộ (Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải) đã thường xuyên rà soát các định ngạch (khối lượng sửa chữa), định mức công tác bảo dưỡng thường xuyên quy định tại Thông tư số 44/2021/TTBGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐBVN tổng hợp kết quả rà soát của các đơn vị quản lý đường bộ về các định ngạch (khối lượng sửa chữa), định mức công tác bảo dưỡng thường xuyên. Trường hợp Cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT đề xuất sửa đổi quy định về định mức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, Bộ GTVT sẽ xây dựng chương trình sửa đổi văn bản quy phạm luật để sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 đáp ứng kiến nghị của cử tri đã nêu.

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT.

 

Nguồn: Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)