Thứ năm, ngày 16/01/2025

Áp lực đảm bảo an toàn giao thông ở Quảng Nam

Thứ năm, 11/04/2024 14:33 GMT+7

Nhiều vướng mắc liên quan đến thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) được đại diện Sở GTVT, Công an tỉnh chỉ ra tại buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh vào chiều ngày 9/4. Áp lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông vẫn đang đè nặng lên lực lượng CSGT, ngành GTVT…

Cảnh sát giao thông tỉnh ra quân tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. 

Tiềm ẩn nguy cơ

Tai nạn giao thông vẫn đang là nỗi ám ảnh trên cả ba tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Những con số phần nào cho thấy nguy cơ luôn hiển hiện. Ở đường bộ, tính từ 1/7/2009 đến 31/12/2023 đã xảy ra hơn 3.900 vụ, làm chết hơn 2.700 người, bị thương hơn 3.400 người.

Với đường sắt, từ 1/1/2019 đến 31/12/2023 có tổng cộng 15 vụ, làm chết 11 người, bị thương 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 100 triệu đồng. Trên đường thủy nội địa, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2023 đã đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, so với thời gian trước liền kề giảm 3 vụ, song tăng 14 người chết…

Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng CSGT Công an Quảng Nam cho hay, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.

Hiện nay độ tuổi vi phạm trật tự ATGT đang dần trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ đã tạo ra áp lực lớn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Nhiều địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, gây áp lực lớn công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Cạnh đó, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, ý thực tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, mang tính đối phó. Lực lượng CSGT toàn tỉnh hiện nay quân số còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đặt ra.

Theo Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng CSGT đã có nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông, duy trì mối quan hệ phối hợp với ngành giao thông và công an trong điều tra khảo sát, đánh giá kiến nghị các tuyến giao thông nguy cơ. Song vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng trong những năm gần đây.

“Quảng Nam nằm ở trung độ của cả nước, thời gian các phương tiện đường dài đến Quảng Nam rơi vào 12 đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là thời điểm hết sức nguy hiểm vì buồn ngủ, mất khả năng kiểm soát phương tiện trong khi tài xế lạ đường, thiếu quan sát khi tham gia giao thông. Trong năm 2023, cả 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đều là phương tiện các tỉnh khác đến và có chung đặc điểm trên” - Đại tá Hồ Song Ân nói.

Kiến nghị đầu tư nâng cấp các tuyến đường

Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT nói, vẫn còn nhiều bất cập trong thực thi chính sách về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thông tư số 26/2012 của Bộ GTVT quy định về điểm đen, nguy cơ mất an toàn xác định tại một vị trí cụ thể, nhưng thực tế diễn biến thường xảy ra trên một đoạn tuyến, không đủ cơ sở để lập hồ sơ xác định là điểm đen, điểm nguy cơ mất an toàn giao thông để đề xuất bố trí kinh phí khắc phục.

Việc cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ rất khó khăn. Ngoài ra, một số tuyến như Quốc lộ 14D, 14H, ngã ba Đại Hiệp (Quốc lộ 14B)… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

“Theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2044 của UBND tỉnh Quảng Nam, để xóa toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh thì cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, 24km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui với tổng kinh phí thực hiện lớn (khoảng 554 tỷ đồng).

Mặc khác, việc xây dựng đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định sẽ gặp khó khăn.

Từ công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đền bù giải tỏa lớn do nhà cửa, vật kiến trúc người dân đã xây dựng đến mép ranh giới phạm vi đất dành cho đường sắt, không còn quỹ đất để bố trí đường gom” - ông Thanh thông tin.

Liên quan 39km trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, hiện không có làn đường dành cho xe thô sơ, mỗi bên có 2 làn đường hỗn hợp và 7km tuyến tránh không có dải phân cách giữa, mặt đường chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Đại tá Hồ Song Ân đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng những đoạn đường này để bảo đảm an toàn giao thông.

“Trong các giải pháp, phải xem công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là giải pháp cơ bản, lâu dài và là yếu tố quan trọng, then chốt. Cần đẩy mạnh chuyển phương thức tuyên truyền sang thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội có sự tương tác lớn, hiệu ứng mạnh, lan tỏa nhanh.

Đồng thời phải đi đôi với công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm quy định pháp luật về TTATGT” - Đại tá Hồ Song Ân nhận định.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)