Thứ năm, ngày 16/01/2025

Hà Nam: Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Thứ năm, 02/05/2024 14:24 GMT+7

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát (TTKS) xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy (GTĐT) nội địa trên các tuyến, góp phần bảo đảm ATGT đường thủy, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện lực lượng CSGT, Công an tỉnh đang trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và bảo đảm TTATGT hai tuyến sông chính (sông Hồng, sông Đáy) với tổng chiều dài gần 100km, chạy qua địa bàn 31 xã, phường, thị trấn (thuộc các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên). Trên 2 tuyến sông này, hiện có 5 bến đò ngang, gần 200 điểm tập kết, bốc xếp hàng hóa, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra việc

chấp hành quy định pháp luật của chủ phương tiện giao thông đường thủy.

Để bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã tăng cường công tác phối hợp nắm bắt tình hình, phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đối với các phương tiện giao thông đường thủy, đoạn, tuyến sông an toàn; tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc TNGT đường thủy; triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” sâu rộng, sáng tạo. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công ác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu.

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, từ năm 2023 đến nay, Ban ATGT tỉnh phối hợp Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an), Phòng CSGT, Công an tỉnh, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức biên soạn tài liệu, văn bản, in ấn và cấp trên 10 nghìn tờ rơi, tuyên truyền cho gần 3 nghìn lượt chủ bến, chủ phương tiện và người điều khiển giao thông đường thủy; tổ chức cho trên 2 nghìn hộ gia đình và người dân mưu sinh trên các tuyến sông ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa; tổ chức cho gần 200 chủ bến cảng, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng cam kết chở hàng đúng trọng tải; 5 chủ bến đò ngang thực hiện đúng các quy định khi vận chuyển hành khách qua sông.

Cùng với đó, lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh còn tăng cường công tác TTKS, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về TTATGT đường thủy nội địa, trong đó chú trọng xử lý hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa không bảo đảm an toàn, vi phạm nhiều lần. Kết quả, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý 174 trường hợp vi phạm với số tiền trên 600 triệu đồng; phối hợp liên ngành bắt giữ 4 phương tiện tàu hút cát vi phạm quy định về khai thác cát trái phép, bàn giao cơ quan chức năng xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Với sự kiên trì nỗ lực của lực lượng chức năng, những năm gần đây, tình hình TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không để xảy ra TNGT.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm các quy định của Luật GTĐT nội địa của một số chủ phương tiện, chủ bến và một số người dân còn diễn ra, nhất là tình trạng phương tiện chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn; không kẻ số đăng ký theo quy định; không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng; tự ý thay đổi tính năng, công dụng của phương tiện. Điều đáng nói, tại một số bến đò ngang khi vận chuyển hành khách qua sông cả chủ đò và hành khách không mặc áo phao theo quy định mà chỉ cầm tay coi như có. Cùng với đó, đường xuống bến đò dốc lại nhỏ hẹp nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Thậm chí, khi ở trên đò, một số hành khách còn ngồi vắt vẻo trên yên xe máy ngay cạnh mang thuyền, một số dựng xe trên đó rồi đến gần thành đò để hóng gió. Tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra là nguyên nhân thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa khiến công tác duy tu, bảo trì gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có xoáy lớn, xoáy nước phức tạp về luồng làm gia tăng nguy cơ TNGT.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần, lực lượng CSGT đường thủy nội địa, Công an tỉnh đã, đang triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không trang bị dụng cụ phao cứu sinh, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, khai thác ngoài danh giới khu vực được phép khai thác, chở quá tải, quá số người quy định; người điều khiển phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn. Kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời, đề xuất cơ quan chức năng kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động bến khách sang sông.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lưu động tại các bến, cảng để nâng cao nhận thức cũng như hành động của người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa. Gắn công tác tuyên truyền về Luật GTĐT nội địa với công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa, không để tình trạng mất ATGT cũng như bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng con người, tài sản và phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa. Tổ chức kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý, nhất là việc chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh và chở đúng số người quy định, phòng chống cháy nổ trên phương tiện.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hiệu quả quản lý thông qua các biện pháp phối hợp liên ngành. Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm; tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường TTKS, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp, vận động và hướng dẫn các chủ bến bãi, chủ đò, chủ phương tiện làm thủ tục cấp phép, đăng ký theo quy định. Đồng thời, yêu cầu chính quyền cấp xã và các chủ đò trên địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn trong hoạt động vận chuyển hành khách, trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của chủ đò trong việc chở đúng số người theo quy định; tuyệt đối không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn như không mặc áo phao, không ngồi đúng vị trí quy định.

Mùa mưa bão đang tới gần, các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy nội địa đã, đang được các cấp, ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật GTĐT nội địa, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc./.

Nguồn: Báo Hà Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)