Thứ ba, ngày 21/01/2025

Từ sân bay dã chiến đến cửa ngõ hàng không Tây Bắc

Thứ ba, 07/05/2024 07:45 GMT+7

Trước nhu cầu khách đến Điện Biên tăng cao dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều hãng hàng không thông báo tăng gấp đôi tần suất khai thác chặng này.

Từ một sân bay dã chiến dùng để tăng viện quân lương, vũ khí của quân đội Pháp, sau nhiều lần được đầu tư nâng cấp, mở rộng, sân bay Điện Biên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Tây Bắc với các địa phương trong cả nước.

Cửa ngõ hàng không của vùng Tây Bắc

"Nhà ga khang trang, hiện đại, các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, nhân viên thì niềm nở, nhiệt tình. Các điểm du lịch như đồi A1, hầm Đờ Cát, tượng đài và bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ… cũng chỉ cách sân bay trên dưới 3km, giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng", bà Nguyễn Ngọc Diệp (62 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ cảm xúc khi lần đầu đến với Điện Biên.

Du khách làm thủ tục thuận tiện, nhanh chóng tại Cảng hàng không Điện Biên

Bà Tạ Thị Hương, Chánh văn phòng Cảng hàng không Điện Biên cho biết, sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng và đưa vào khai thác vào cuối năm 2023, cảng đã có hạ tầng khang trang, trang thiết bị đầy đủ và hiện đại. Cảng có một đường cất, hạ cánh có chiều dài 2.400m, rộng 45m, sân quay 2 đầu, sân đỗ tàu bay với 4 vị trí đỗ đảm bảo tiếp nhận các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương.

Nhà ga hành khách 2 tầng, có tổng diện tích sàn là 4.270m2, công suất 500.000 hành khách/năm. Nhà ga được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ.

Tại đây, các công nghệ hiện đại đều được ứng dụng như hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không; hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI; ứng dụng sinh trắc học toàn trình, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, dữ liệu về dân cư đối với hành khách cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động; hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động.

"Nhân viên tại cảng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ, đem lại ấn tượng đẹp cho du khách khi vừa đặt chân tới mảnh đất lịch sử anh hùng", bà Hương cho biết.

Hành trình "lột xác" từ sân bay dã chiến

Sân bay Điện Biên được quân đội Pháp xây dựng vào trước năm 1954, với tên gọi là sân bay Mường Thanh. Khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Pháp cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích là để nhận quân tăng viện từ Hà Nội và một số sân bay khác.

Hạ tầng của sân bay Điện Biên có thể tiếp đón những tàu bay hạng lớn

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta đã tiếp quản sân bay Mường Thanh. Bốn năm sau, ngày 21/4/1958, Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Ban nghiên cứu sân bay cùng Quân khu Tây Bắc khôi phục, mở rộng sân bay.

Sau 8 tháng, các hạng mục của hai sân bay đã thi công xong. Ngày 25/11, chuyến bay AN2 hạ cánh xuống sân bay Điện Biên, thông đường bay Hà Nội - Điện Biên.

30 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1984), cảng hàng không Điện Biên Phủ chính thức khai thác chặng bay Hà Nội - Điện Biên khứ hồi trên các máy bay như AN24, AK40... Tuy nhiên, chỉ 10 tháng sau đó, sân bay đã tạm ngừng hoạt động để nâng cấp và sửa chữa.

Đến năm 1994, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã mở lại đường bay Hà Nội – Điện Biên và ngược lại. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 1/4/1994.

Một năm sau, sân bay được đầu tư nâng cấp. Công trình được khởi công ngày 6/5/1995. Ngày 29/3/1996, Vietnam Airlines tiếp tục mở lại đường bay Hà Nội - Điện Biên, thực hiện 2 chuyến bay/tuần vào thứ 3 và thứ 6 bằng máy bay ATR72.

Đến năm 2003, cảng hàng không tiếp tục được nâng cấp và khánh thành ngày 16/3/2004. Nhà ga có diện tích sử dụng 2.500m2, công suất 150 khách giờ cao điểm.

Tuy nhiên, do hạn chế về hạ tầng và trang thiết bị nên sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72, máy bay phản lực nhỏ như Embraer 190 vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép.

Ngày 27/3/2021, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên với quy mô đường băng dài 2.400m, rộng 45m; Cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Công tác giải phóng mặt bằng có chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Tỉnh đã giải phóng mặt bằng 149ha đất trong 8 tháng để bàn giao toàn bộ phục vụ mở rộng sân bay.

Ngày 2/12/2023, sân bay Điện Biên đón chuyến bay thương mại đầu tiên bằng máy bay Airbus A321.

Đón đầu cơ hội

Theo bà Lò Thị Yên, Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên, hiện nay sân bay thực hiện từ 3-4 chuyến bay/ngày. Trong đó, có từ 2-3 chuyến bay Hà Nội - Điện Biên và ngược lại; 1 chuyến bay TP.HCM - Điện Biên và ngược lại. Lượng hành khách qua cảng đã đạt gần 1.000 hành khách/ngày (trước đây là hơn 200 hành khách/ngày). Khách trong nước và khách quốc tế đều tăng.

Với trang thiết bị hiện đại, cảng hàng không Điện Biên
đã và đem lại cho du khách những dịch vụ tốt nhất

"Để thu hút hành khách đến với Điện Biên, cảng đã thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên không ngừng trau dồi về nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ấn tượng tốt đẹp với hành khách về Điện Biên ngay khi đặt chân đến sân bay", bà Hương cho hay.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, kể từ khi sân bay Điện Biên hoàn thành nâng cấp mở rộng, khách du lịch đến với Điện Biên tăng đột biến. Năm nay, tỉnh dự kiến đón 1,3 triệu lượt khách du lịch.

"Hiện địa phương đang mời gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, cung cấp các sản phẩm mới về du lịch. Đồng thời, xúc tiến mở các đường bay mới, đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ mở được ít nhất một đường bay từ Đà Nẵng hoặc Khánh Hòa, tiến tới mở các đường bay thẳng từ quốc tế", ông Đô nói.

Trước nhu cầu khách đến Điện Biên tăng cao trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), từ giữa tháng 4/2023, nhiều hãng hàng không thông báo tăng gấp đôi tần suất khai thác chặng này.

Theo đó, Vietnam Airlines thông báo sẽ tăng gần gấp đôi tần suất bay đến Điện Biên so với lịch bay hiện tại từ ngày 3 - 8/5. Cụ thể, hãng sẽ khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và chiều ngược lại trong thời gian trên.

Hãng hiện đang khai thác các chuyến bay giữa Hà Nội và Điện Biên với tần suất 11 chuyến mỗi tuần bằng máy bay Airbus A321.

Hãng hàng không Vietjet cũng thông báo mở thêm đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất 3 chuyến mỗi tuần vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6, tăng tần suất khai thác chặng TP.HCM - Điện Biên lên 3 chuyến/tuần (vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7).

Hiện giá vé máy bay từ Hà Nội - Điện Biên dao động từ 1,6-1,7 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí), hạng thương gia khoảng 3,5 triệu đồng.

Theo Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)