Thứ năm, ngày 16/01/2025

Bến Tre: Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí

Thứ năm, 30/05/2024 09:41 GMT+7

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới, 1 năm qua (từ ngày 19/4/2023 đến 19/4/2024), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực TTATGT.

Qua đó góp phần xây dựng xã hội văn hóa, ATGT, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), đảm bảo TTATGT được thông suốt, an toàn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Công an tỉnh điều động các lực lượng điều tiết,
phân luồng giao thông trên cầu Rạch Miễu

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thường trực Ban ATGT tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, các ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

Trong thời gian từ ngày 19/4/2023 đến 19/4/2024, các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 12.214 ca, có 56.118 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; qua kiểm tra phát hiện, lập biên bản 34.307 trường hợp (TH) vi phạm, tạm giữ 23.236 phương tiện, 13.565 giấy tờ các loại. Đã xử phạt vi phạm hành chính 31.786 TH với số tiền 86.954 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 6.390 TH. Các lỗi vi phạm thường xảy ra như: không có giấy phép lái xe 10.388 TH; vi phạm về nồng độ cồn 11.522 TH; không đội mũ bảo hiểm 841 TH; chạy quá tốc độ quy định 5.614 TH; đi không đúng làn đường, phần đường 200 TH….

Trong 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 135 vụ TNGT, làm 120 người chết, 25 người bị thương. So với thời gian liền kề giảm 9 vụ, giảm 12 người chết, giảm 5 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 251/196 triệu đồng. Trong đó, TNGT liên quan đến nồng độ cồn 52/135 vụ (chiếm 38,52% trên tổng số vụ).

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 103 vụ ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 60 khu vực cầu Rạch Miễu. Nguyên nhân do lưu lượng phương tiện qua cầu Rạch Miễu rất lớn và ngày càng tăng (nhất là vào các ngày nghỉ lễ, Tết, cuối tuần), trong khi cầu Rạch Miễu có mặt cầu hẹp (chỉ 2 làn xe ô tô) và độ dốc lớn, phương tiện di chuyển chậm qua cầu, gây ùn ứ giao thông khu vực trên. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh điều động các lực lượng chức năng chủ động triển khai lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông; phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang tổ chức điều tiết, cắt đường để giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT. Các sở, ban, ngành tỉnh và toàn dân cùng tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông; hướng tới mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, khắc phục ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc kéo dài và TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp tình hình thực tiễn tại các tuyến, địa bàn, thành phần, đối tượng tuyên truyền. Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội vào công tác tuyên truyền. Tập trung tuyên tuyền cá biệt đối với các nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm, nguy cơ gây TNGT cao (thanh thiếu niên, lao động tự do...).

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo hợp lý, khoa học, tập trung vào các khung giờ, các tuyến có tình hình TTATGT phức tạp, thường xuyên xảy ra TNGT. Nâng cao hiệu quả các ca tuần tra, kiểm soát; nhất là tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe... với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phòng chống đua xe trái phép, thanh thiếu niên tụ tập gây mất trật tự công cộng, không để gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác chuyên môn, khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm hệ thống đã được trang bị. Chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác rà soát, tham mưu, kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về TTATGT đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thường xuyên công tác khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để tạo môi trường giao thông thông thoáng, an toàn, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT.

Nguồn: Báo Đồng khởi

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)