Thứ tư, ngày 15/01/2025

Phú Thọ: Tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thứ ba, 11/06/2024 14:39 GMT+7

Nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông cho người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, thời gian qua, các cấp các ngành, đặc biệt là lực lượng công an đã triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới.

Qua đó, từng bước hình thành văn hóa giao thông; giảm thiểu TNGT bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Những bất cập, hạn chế

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ 19/4/2023-19/4/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 333 vụ tai nạn, va chạm giao thông đường bộ, làm chết 189 người, bị thương 238 người; giảm 43 vụ, giảm 29 người chết và giảm 92 người bị thương. Cơ quan chức năng đã khởi tố 47 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 113 vụ, chuyển cơ quan điều tra quân đội 2 vụ, đang điều tra giải quyết 75 vụ... Mặc dù tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, TNGT được kiềm chế, không xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nào, tuy nhiên TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ và số người chết do TNGT giảm nhưng chưa bền vững.

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, hay mắc các lỗi như: Vi phạm nồng độ cồn; điều khiển xe chạy không đúng tốc độ quy định; không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, chuyển hướng không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông...

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng; hệ thống biển báo chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường hẹp, không có lề đường, có nhiều khúc cua gấp làm hạn chế tầm nhìn, nhất là các tuyến đường ở những huyện miền núi (tuyến Quốc lộ 32C, 32B, 70, 70B). Trong khi đó, lưu lượng phương tiện tăng nhanh; nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất như hạ tầng giao thông, hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm, cửa ngõ ra vào tỉnh chưa được đồng bộ. Sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể chưa nhịp nhàng nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; do vậy còn để tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, xây dựng công trình, dựng lều quán, tập kết vật liệu...

Phú Thọ còn là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt trong khi lực lượng chức năng xử lý các vấn đề về giao thông còn thiếu; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chú ý tập trung vào các tuyến, địa bàn, thời gian và đối tượng thường gây tai nạn giao thông để phòng ngừa; chế tài xử lý một số lỗi vi phạm TTATGT còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT còn thiếu, chất lượng không cao...

Để tiếp tục bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Ban ATGT tỉnh thì trước tiên phải làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT tới toàn thể Nhân dân. Trong đó, các ngành chức năng thực thi nhiệm vụ phải mở đợt cao điểm đảm bảo TTATGT; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT. Đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Xác định rõ điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và công tác đăng ký, quản lý phương tiện, hoạt động vận tải và người điều khiển phương tiện.

Thi công mở rộng làn đường tại điểm tiềm ẩn TNGT trên Quốc lộ 32

đoạn đường thuộc khu vực xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.

Giải pháp đồng bộ

Tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ có vị trí trung tâm vùng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội và giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang; có 91km đường cao tốc chạy qua địa bàn, 5 nút giao kết nối, 531km Quốc lộ; 884km đường tỉnh, nội đô, chuyên dùng; gần 11 nghìn km đường GTNT; 12 cầu lớn qua sông. Để hạn chế đến mức thấp nhất về TNGT, các sở, ngành, UBND huyện, thành, thị, các tổ chức đoàn thể có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông phù hợp cho từng lứa tuổi, từng vùng, khu vực, địa bàn, tôn giáo... theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện. Đồng chí Trần Hoài Giang- Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án trọng điểm; đồng thời khảo sát xác định các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT, tụ điểm phức tạp về TTATGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Ngoài ra, Sở cũng thực hiện nghiêm công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ; công tác quản lý phương tiện, người lái; cấp giấy phép kinh doanh vận tải; đào tạo, sát hạch lái xe..., tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần đảm bảo TTATGT trong tình hình mới...”.

Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông cần được chú trọng. Trong đó, lấy công tác tuyên truyền làm trọng điểm bằng việc xây dựng và duy trì 564 mô hình “Cổng trường ATGT”; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh có bán rượu, bia in thông điệp “Đã uống rượu, bia- Không được lái xe”, “An toàn cho bạn và an toàn cho mọi người”. Đưa tài liệu “Văn hóa giao thông” vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục... Tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến với các tầng lớp Nhân dân, nhất là hướng đến lứa tuổi thanh, thiếu niên và học sinh, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Cùng với đó, lực lượng chức năng mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ, khép kín tuyến, địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề. Trong đó, lực lượng chức năng phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông ngay tại nơi xuất bến đối với phương tiện chở khách; ngay kho, bãi, bến cảng đối với phương tiện vận tải hàng hóa, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trước khi phương tiện tham gia giao thông trên đường. Lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm phải thượng tôn pháp luật, “Không có vùng cấm”, “Không có ngoại lệ”; thực hiện nghiêm túc việc gửi thông báo các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về cơ quan, đơn vị công tác và địa phương nơi cư trú theo quy định. Nghiêm cấm lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ các đơn vị can thiệp vào việc xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng.

Sở GTVT xác định các vị trí bất cập, bất hợp lý về tổ chức giao thông; điểm tiềm ẩn tại nạn giao thông, điểm đen tai nạn giao thông. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, người lái; cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định, hợp đồng, taxi, container, giấy phép liên vận Việt - Lào, xe máy chuyên dùng, xe máy thi công; công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, cấp đổi giấy phép lái xe; công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa qua thiết bị giám sát hành trình... Phân cấp đăng ký xe ô tô cho 12 huyện, thị; phân cấp đăng ký xe mô tô cho 13 huyện, thành, thị và công an 118 xã, thị trấn đủ điều kiện; tạo 341 tài khoản truy cập hệ thống đăng ký xe phục vụ công tác đăng ký, quản lý xe và tổng rà soát, cập nhật dữ liệu đăng ký, quản lý xe.

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, sẽ góp phần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, thiết thực bảo vệ ANTQ, bảo đảm TTATXH, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững./.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)