Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tầm nhìn chiến lược về giao thông

Thứ sáu, 26/07/2024 08:29 GMT+7

“Những quyết sách là của tập thể, nhưng dấu ấn cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất lớn”, ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT chia sẻ.

Đột phá hạ tầng - Điểm tựa phát triển kinh tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, nhưng những giá trị và đóng góp to lớn mà Tổng Bí thư để lại sẽ tiếp tục sống mãi. Là người có thời gian dài gắn bó với ngành, cá nhân ông cảm nhận thế nào về dấu ấn của Tổng Bí thư đối với sự phát triển của ngành GTVT thời gian qua?

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đã được đặt ra từ những nghị quyết đầu tiên về điện, đường, trường, trạm.

Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn đậm nét trong các chủ trương,

chính sách đột phá phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Nhưng có thể nói, giai đoạn từ năm 1995 đến những năm 2010 là thời kỳ hạ tầng giao thông được đầu tư rất lớn với nhiều công trình cầu, đường lớn như cầu Rạch Miễu, Nhật Tân, các đoạn cao tốc đầu tiên…

Đặc biệt giai đoạn 2006 - 2010, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, những dự án giao thông lớn được tiếp tục quan tâm, đầu tư. Ở phía Nam lúc đó là tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước TP.HCM – Trung Lương (đầu tư năm 2006, hoàn thành 2010). Ở phía Bắc là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng…

Về hàng không, giai đoạn này thực hiện nâng cấp nhà ga T1 sân bay Nội Bài, xây dựng nhà ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong một loạt các dự án trọng điểm đó, có dấu ấn rất lớn của người đứng đầu Quốc hội. Theo quy định thời điểm đó, dự án trên 5.000 tỷ đồng đều phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nếu không được đồng tình, ủng hộ của Quốc hội, các dự án sẽ khó có thể triển khai.

Hay như ở Hà Nội, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành uỷ, các dự án giao thông quan trọng như Vành đai 2, Vành đai 3 đã được đầu tư và hiện nay đang triển khai vành đai 4. Điều này thế hiện tầm nhìn rất xa của đồng chí trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho phát triển kinh tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có gần 3 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu của Đảng. Theo ông, trong giai đoạn này, dấu ấn của Tổng Bí thư với ngành giao thông được thể hiện như thế nào?

Đến Đại hội Đảng các khoá XI, XII, XIII , dấu ấn của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành giao thông càng rõ hơn, ở trên tất cả các lĩnh vực.

Ở lĩnh vực hàng hải, phía Bắc có cảng Tân Vũ - Lạch Huyện được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc. Miền Nam có cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Ở miền Trung là cảng Dung Quất, Vũng Áng…

Ở lĩnh vực đường bộ, dự án cao tốc phía Đông qua hai nhiệm kỳ vừa qua đã được triển khai rất nhanh, cơ bản sẽ kết nối Bắc - Nam trong nhiệm kỳ này.

Với lĩnh vực hàng không, dấu ấn nổi bật là sân bay quốc tế Long Thành đã triển khai và tiến độ đến nay rất tốt.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo triển khai, Bộ GTVT đang gấp rút chuẩn bị các phương án để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Tất cả những điều đó để thấy rằng sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực GTVT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ít khi tham gia các sự kiện như các lễ khởi công, khánh thành dự án. Nhưng các quyết sách, chính sách, nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, các chỉ đạo đều nhấn mạnh rất rõ đến yếu tố phát triển hạ tầng giao thông.

Những quyết sách này là của tập thể, nhưng ở đó thể hiện dấu ấn cá nhân của đồng chí Tổng Bí thư rất lớn về tầm nhìn, chiến lược.

Việc gì làm được cho dân phải quyết tâm làm

Trong rất nhiều quyết sách, chỉ đạo của Tổng Bí thư, có những chỉ đạo nào mà ông ấn tượng nhất?

Tôi rất ấn tượng với những phát biểu của Tổng Bí thư, trong đó có một chỉ đạo mà tôi nhớ mãi về việc triển khai các dự án, đại ý là: "Cùng một lúc ký thật nhiều dự án cho nó oai, xong rồi để đấy, ruộng thì dân không làm được, vốn thì đọng lại, đường sá vẫn cứ tắc. Tôi cho rằng vấn đề này phải có sự phân tích. Chúng tôi đã chỉ đạo phải tập trung làm để có những sản phẩm cụ thể".

Ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư là rất ấn tượng, sâu sắc. Điều đó vừa thể hiện bản lĩnh, vừa thể hiện tầm nhìn và ý chí quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta. Cái gì làm được cho dân thì quyết tâm làm, cái gì thấy chưa yên tâm thì chưa làm.

Ông có thể dẫn ví dụ cụ thể về tinh thần chỉ đạo này của Tổng Bí thư đối với lĩnh vực GTVT?

Tôi dẫn một ví dụ, cụ thể là đường sắt cao tốc Bắc Nam. Thực ra, dự án đã được đặt ra từ Đại hội X, lúc đó đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn làm Chủ tịch Quốc hội. Dù Chính phủ đã giải trình rất kỹ các vấn đề, nhưng thời điểm đó, với nguồn vốn đầu tư quá lớn, Quốc hội chưa thông qua.

Nói thật, lúc đó với tư cách là những người trực tiếp chuẩn bị dự án, cả tôi và Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ đó cũng rất trăn trở. 

Nhưng sau này nhìn lại mới thấy, ở giai đoạn đó nếu làm thì tiềm lực chúng ta chưa đủ, kể cả phân kỳ đầu tư. Với thu nhập của người dân lúc đó, để đi tàu cao tốc với giá vé gần bằng máy bay thì rất khó. Vì vậy, quyết sách tạm dừng dự án thời điểm đó là hoàn toàn hợp lý.

Đến giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đã có bước phát triển mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng với vai trò là Tổng Bí thư, cùng Bộ Chính trị đã có những chỉ đạo mới, yêu cầu chuẩn bị cho dự án quan trọng này.

Hay như dự án sân bay Long Thành, chúng ta cũng chuẩn bị trước cả đường sắt tốc độ cao, nhưng Quốc hội thời điểm đó cũng chưa thông qua. Bởi nếu triển khai thời điểm đó, chắc chắn chúng ta phải vay vốn ODA, nợ công chắc chắn sẽ đội lên.

Lùi lại mấy năm, giờ triển khai bằng nguồn vốn của doanh nghiệp trong nước, tiến độ triển khai rất tốt, chúng ta cũng hoàn toàn làm chủ công nghệ thi công.

Hay như chuyện các địa phương đua nhau xin làm cảng biển, làm sân bay. Nói thật ở Bộ GTVT lúc đó, chúng tôi chịu rất nhiều áp lực khi các địa phương trình một loạt các dự án sân bay.

Nhưng như lời của Tổng Bí thư, không phải "dự án nào cũng duyệt cho oai". Các dự án đưa vào quy hoạch chung, nhưng dự án nào thực sự cần thiết, bức xúc mới được Bộ Chính trị, Chính phủ cân nhắc để thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Cơ đồ, vị thế đất nước có đóng góp lớn của giao thông

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tầm nhìn chiến lược về giao thông- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Túc

Trong các nhiệm kỳ gần đây, hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thực hiện, không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn làm thay đổi diện mạo đất nước. Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tôi có nhiều năm là tổ viên trong Tổ văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc. Có thể nói, việc xác định đột phá chiến lược về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở 3 kỳ Đại hội vừa qua là quyết sách rất đúng và trúng của đảng ta.

Điều này đã mở ra cơ hội phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ đó, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, đúc kết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa:

Hạ tầng giao thông là "bệ đỡ" để kinh tế "cất cánh"

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tầm nhìn chiến lược về giao thông- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà.

Việc lựa chọn đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là hoàn toàn chính xác. Bởi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, hạ tầng giao thông chính là "bệ đỡ" để nền kinh tế "cất cánh".

Từ chủ trương đúng đắn của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhờ đó chúng ta đã có được một hệ thống hạ tầng phát triển như ngày ngày nay.

Trong gần 3 nhiệm kỳ qua, chúng ta làm được hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi trước năm 2011 chỉ có vỏn vẹn gần 100km. Chỉ riêng con số này cũng đã cho thấy kết quả đáng khích lệ thế nào.

Chính sự phát triển về hạ tầng giao thông đã dẫn tới những phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Hạ tầng tốt là tiền đề để thu hút đầu tư, tạo kết nối, giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền trên toàn quốc.

Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Giao thông phát triển nhờ những quyết sách đột phá

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tầm nhìn chiến lược về giao thông- Ảnh 5.

Ông Đinh Trọng Thịnh.

Mỗi cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng các nghị quyết. Song, vai trò người đứng đầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan trọng hơn cả.

Trong suốt gần 3 nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đã có rất nhiều chủ trương, chính sách đột phá để phát triển hạ tầng giao thông được ban hành. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn luôn được ưu tiên. Nhờ đó, hàng loạt tuyến cao tốc, nhà ga hàng không, những cây cầu lớn, cảng biển được khánh thành và đưa vào khai thác.

Và chúng ta đã thấy rất rõ, "đường mở đến đâu làm giàu đến đó". Thành quả này có được là nhờ định hướng đúng đắn, tầm nhìn rất xa của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)