Thứ bảy, ngày 11/01/2025

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận

Thứ bẩy, 19/10/2024 11:24 GMT+7

Chiều ngày 18/10, tại trụ sở Bộ GTVT, Đoàn công tác 435 của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, thành viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn hai tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm việc với lãnh đạo

tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận

Thay mặt đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã cùng đại diện các bộ, ngành trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ loạt vướng mắc trong phát triển KT-XH của hai tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận.

Gần 4.000 nhà tạm, nhà dột nát cần xoá bỏ

So với 2 lần làm việc trước cùng 2 tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, nội dung mới tại cuộc họp lần này là sự vào cuộc của các địa phương trong triển khai thực hiện Công điện số 102 ngày 6/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Công điện 102).

Đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận trong triển khai công tác an sinh xã hội, song, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, nhu cầu xoá nhà tạm, nhà dột nát hiện vẫn rất lớn.

Nhấn mạnh mục tiêu xoá 100% nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân đến năm 2025 là nhiệm vụ quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu hai tỉnh tích cực triển khai các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) là cơ quan chủ trì để có hướng dẫn kịp thời.

"Quá trình thực hiện, các địa phương một mặt kiến nghị Trung ương các vướng mắc, một mặt cũng cần chủ động bố trí nguồn lực. Số liệu thống kê cũng phải đảm bảo tính chính xác để đáp ứng hiệu quả, tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận trao đổi trực tuyến tại buổi làm việc

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận trao đổi trực tuyến tại buổi làm việc

Trước đó, thông tin tại cuộc họp, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Sở Xây dựng nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

"Về nhu cầu xây dựng, trong 2 năm 2024 - 2025, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ 1.948 căn nhà. Trong đó, xây mới 1.653 căn, sửa chữa 295 căn. Tổng kinh phí dự kiến hơn 205 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận 70 tỷ đồng để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025", ông Huyền chia sẻ.

Về phía tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, kết quả rà soát cho thấy, trong 2 năm 2024 - 2025, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ 2.045 căn nhà (xây mới 1.069 căn nhà, sửa chữa 976 căn nhà).

"Tổng kinh phí thực hiện khoảng 200 tỷ đồng. Tỉnh rất mong Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh ít nhất 50% kinh phí để thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát", ông Đăng kiến nghị.

Đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực triển khai, theo ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ, TB&XH), Công điện 102 của Thủ tướng Chính phủ đề cao tinh thần "tự lực, tự cường". Công tác phân nhóm địa phương cũng được thực hiện để có mức hỗ trợ phù hợp.

"Trong 4 nhóm địa phương được phân loại, tỉnh Bình Thuận đứng ở nhóm thứ 2 (địa phương tự cân đối nguồn lực). Ngoài ra, theo kết luận của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ đối với trường hợp xây nhà mới là 50 triệu đồng/hộ, sửa chữa hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ. Các địa phương cần rà soát chính xác nhu cầu để có phương án huy động nguồn lực hợp lý", ông Bình nói.

Chia sẻ thêm, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện Công điện 102, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để xoá toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc từ nay đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng thời 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở cho chương trình mục tiêu quốc gia; Xoá nhà tạm, nhà dột nát với đối tượng không thuộc hai chương trình trên.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, ngày 7/10/2024, Bộ Xây dựng đã có tờ trình và dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức ưu đãi, phân bổ nguồn vốn ngân sách TƯ và ngân sách địa phương để ban hành trong tháng 10/2024 để Bộ Tài chính có nguồn phân bổ cho các địa phương.

"Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay, có 2 chương trình mục tiêu quốc gia có hợp phần về nhà ở. Trong đó, tại chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ giảm nghèo bền vững có dự án 5, Ninh Thuận là đối tượng thuộc chương trình. Theo đề án của tỉnh đề ra là 795 hộ, hiện, đã hoàn thành 469 hộ", ông Hưng cho hay.

Loạt vướng mắc sắp được tháo gỡ

Liên quan đến kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về việc hướng dẫn thống nhất nguồn kinh phí thực hiện (chi thường xuyên hay đầu tư công) để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, ông Trịnh Đức Trọng, Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trên cơ sở kết quả rà soát các vướng mắc, dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 8 tới đây đã nêu rõ, nguồn vốn thực hiện quy hoạch là nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp.

Ông Trịnh Đức Trọng, Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đối với kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận bổ sung nguồn lực đầu tư đường ven biển, ông Trọng cho biết, theo quy hoạch, trách nhiệm huy động nguồn lực đầu tư đường ven biển thuộc về địa phương. 

"Cấp có thẩm quyền địa phương cần xem xét, trường hợp khó khăn cần báo cáo cụ thể để Bộ tổng hợp, đề xuất cân đối vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2026", ông Trịnh Đức Trọng nói.

Tại cuộc họp, kiến nghị của địa phương về cắt giảm thủ tục cấp phép đối với một số loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đơn giản (đá chẻ, vật liệu san lấp, cát xây dựng, sét…) cũng đã được đưa ra hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Thạch Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

heo ông Nguyễn Thạch Đăng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện, Bộ đang phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện, trình dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. 

Trong đó, đối với nhóm vật liệu thông thường được đề xuất không phải làm quy trình cấp phép theo Luật. 

Các nghị định liên quan sẽ được điều chỉnh quy định thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục đối với vật liệu xây dựng thông thường.

Về phía Bộ GTVT, lắng nghe kiến nghị của địa phương, một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định là chậm nhất đến tháng 6/2025, hạng mục nút giao liên thông Thuận Nam (Km113+00) kết nối với ĐT709 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được hoàn thành.

"Đến nay, hạng mục này đã hoàn thành thiết kế, đang duyệt dự toán. Dự kiến, công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công sẽ thực hiện từ cuối năm 2024. Công trình sẽ được hoàn thành sau khoảng 6 tháng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cần nỗ lực hơn, cố gắng hơn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 trên 7% Chính phủ đã đề ra. Cần có giải pháp cụ thể trong những tháng cuối năm như: tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, đặc biệt phải đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công.

* Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh ước tăng hơn 6%; Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng gần 9%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 695 triệu USD, tăng hơn7%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.050 triệu USD, tăng gần 19% so cùng kỳ năm trước.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 6/10/2024 đạt 1.754 tỷ đồng (đạt hơn 34% kế hoạch).

Tại tỉnh Ninh Thuận, 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh ước đạt 20.662 tỷ đồng, tăng 8%; Thu ngân sách đạt 3.540 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với sự tăng trưởng tích cực của hoạt động dịch vụ du lịch, lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 73,6 triệu USD, giảm hơn 9,6% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 9/2024, sản lượng giải ngân của tỉnh đạt hơn 62% kế hoạch.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)