Thứ bảy, ngày 04/01/2025

Bộ Giao thông vận tải tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Thứ hai, 30/12/2024 12:49 GMT+7

Chiều nay, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới các điểm cầu địa phương (UBND các Tỉnh, Thành phố).


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh và các đồng chí Thứ trưởng dự Hội nghị

Dự Hội nghị có Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan; đại diện Tổng Liên đoàn lao động VN; Tổng kiểm toán Nhà nước; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Giám đốc các Sở GTVT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Công an và các cơ quan đơn vị liên quan.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải được bắt đầu lúc 14h chiều nay (30/12/2024). Ngay sau lời khai mạc của Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, các đại biểu được xem video clip những kết quả nổi bật, đột phá của Bộ Giao thông vận tải năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải.

Tiếp đó là phát biểu tham luận của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các bộ ngành; Báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị.


Các đại biểu dự Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ

Các đại biểu dự Hội nghị cũng sẽ được nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả của Ngành GTVT đóng góp vào thành tựu chung của đất nước

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.


Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh phát biểu khai mạc tại Hội nghị

“Song với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cá nhân đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân; toàn ngành Giao thông vận tải đã duy trì sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, đoàn kết thống nhất, thực hiện nhiệm vụ với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; qua đó tiếp tục tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định.

Nói về thành tựu mà Ngành GTVT đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết:

Một là, về đột phá thể chế, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; đã hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra. Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định (trong đó, có 05 Nghị định được trình năm 2024 và 09 Nghị định được trình năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Quyết định do Bộ GTVT tham mưu trình. Bộ GTVT đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội liên quan đến việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trách nhiệm về quản lý nhà nước; các quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường bộ cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhằm tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

“Đặc biệt, thực hiện rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề là điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc mang tính cấp bách được tổng kết trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông vận tải”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói đồng thời cho biết thêm, các nội dung kiến nghị của Bộ GTVT đã được các Bộ, ngành thống nhất đưa vào nghiên cứu sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật do Bộ Tài chính chủ trì và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Những dự án Luật này đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024) và có hiệu lực ngay từ 1/1/2025 giúp tháo gỡ được “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hai là, về đột phá hạ tầng, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, triển khai Luật Quy hoạch, Bộ GTVT là một trong các Bộ, ngành đầu tiên hoàn thiện 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và các Nghị quyết của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 06 vùng kinh tế, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đang hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch 06 Cảng hàng không

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện đề án, trong đó có những đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các đề án đảm bảo tiến độ yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Đến nay, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua; bên cạnh đó, Bộ GTVT đồng thời phối hợp chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 02 thành phố.

“Trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 03 đến 06 tháng”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết

Cụ thể các dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: Về đường bộ, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã khởi công 08 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 07 dự án, đặc biệt hoàn thành 02 Dự án thành phần còn lại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm để hoàn thành toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 08 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

Về hàng không, đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án CHK Quốc tế Long Thành; tiến độ các dự án CHK Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3- CHK Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt DATP 2, DATP 3 CHK Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.

Về đường sắt, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; phối hợp với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị gồm đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

“Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai 09 dự án đường bộ cao tốc do địa phương là cơ quan chủ quản. Nhiều khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, nhất là trong công tác thẩm định dự án, thủ tục khai thác vật liệu phục vụ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công tác tác tổ chức thi công, quản lý dự án đã được Bộ GTVT phối hợp, hỗ trợ, cùng các địa phương tháo gỡ kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho chủ trương”, Bộ trưởng khẳng định.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho biết, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể liên quan trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường. Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (trong đó 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024, 4.193 tỷ được giao bổ sung từ tháng 11 năm 2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng khẳng định, Ngành GTVT nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đó là: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai DATP 4 CHK Quốc tế Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu: Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân; Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển KCHTGT còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Phần cuối bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẳng định đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giao thông vận tải không chỉ trong năm tới mà còn trong cả nhiệm kỳ.

“Vì vậy, tôi đề nghị quý vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc, toàn diện hơn những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, những kiến nghị, đề xuất giúp cho ngành Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các mục tiêu, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị.

Ngành GTVT hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024

Đây là khẳng định trong báo cáo tại Hội nghị. Báo cáo cũng nêu rõ, trong bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải (GTVT), sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Bộ GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; chú trọng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động, quyết liệt giải quyết những vấn đề phát sinh, những tồn tại, vướng mắc tồn đọng, kéo dài. Nhờ vậy, đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, điểm những kết quả nổi bật trong năm 2024 cho thấy, Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngay từ đầu năm, Ban Cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quán triệt tới các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT phát huy tinh thần làm việc với quyết tâm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm vượt qua thách thức, làm việc không kể ngày, đêm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, với quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Ngành GTVT coi trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị giúp tháo gỡ được “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; đã hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra. Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định (trong đó, có 05 Nghị định được trình năm 2024 và 09 Nghị định được trình năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Quyết định do Bộ GTVT tham mưu trình.

Bộ GTVT đã tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội liên quan đến việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trách nhiệm về quản lý nhà nước; các quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường bộ cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhằm tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam...

 Công tác lập, triển khai các quy hoạch chuyên ngành cũng được tập trung thực hiện. Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ GTVT là một trong các Bộ, ngành đầu tiên hoàn thiện 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Bộ GTVT cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đang hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ GTVT cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch các CHK Nội Bài, Cà Mau, Pleiku, Cát Bi, Liên Khương. Đồng thời, hiện nay Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về đường bộ, đường sắt, hàng hải và một số  quy hoạch CHKQT Đà Nẵng, CHK Tuy Hòa, CHKQT Phú Quốc, CHK Đồng Hới, CHKQT Vinh; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác và Quy chế hoạt động của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện đề án, trong đó có những đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các đề án đảm bảo tiến độ yêu cầu của cấp có thẩm quyền”, báo cáo nêu rõ.

500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc

Đối với các cơ quan của Ngành GTVT, công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt coi trọng. Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, tập thể Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, xác định công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng nhất và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện. Bộ GTVT đã tập trung quán triệt, tổ chức nhiều cuộc họp, thường xuyên ban hành văn bản để đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình gắn với đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, thực hành nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Các đồng chí Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu của Bộ dành nhiều thời gian kiểm tra hiện trường, làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các chủ thể tham gia huy động tối đa nguồn lực, tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức thi công “3 ca 4” kíp để đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng.

Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Chủ đầu tư (CĐT)/Ban QLDA, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng, kiểm soát chất lượng, quản lý, điều hành dự án đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ quy định pháp luật. Đến nay, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đều đánh giá các dự án cơ bản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại, các tồn tại này đã được các CĐT kịp thời khắc phục. Các CĐT/Ban QLDA đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự bảo đảm chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng; các đơn vị tư vấn thiết kế đã chú trọng đến công tác khảo sát, điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát tác giả, kiểm soát chặt chẽ thành phần hồ sơ theo quy định; các đơn vị tư vấn thẩm tra đã tăng cường bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với quy mô, loại và cấp công trình; các đơn vị tư vấn giám sát đã kiểm soát công tác thí nghiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, thực hiện giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình; các nhà thầu thi công đã thay đổi nhận thức, phương thức triển khai, xác định chất lượng công trình là danh dự sống còn của doanh nghiệp, huy động động đầy đủ, đúng chủng loại máy móc, thiết bị, nhân lực thi công theo biện pháp thi công được phê duyệt.

Trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 03 đến 06 tháng.

Cụ thể, về đường bộ, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã khởi công 08 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 07 dự án, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 08 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

Về hàng không, đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án CHK Quốc tế Long Thành; tiến độ các dự án CHK Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3- CHK Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt DATP 2, DATP 3 CHK Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.

Về đường sắt, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; đã khởi công Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; tiến độ triển khai 06/07 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu, 01 dự án vốn vay ODA đang khảo sát, thiết kế; phối hợp với các địa phương đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào tháng 8/2024 và phấn đấu đưa tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, còn một số hạng mục của 02 dự án đường sắt giai đoạn 2016 - 2020 đang triển khai nhưng chậm do vướng mắc về mặt bằng kéo dài.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam); hoàn thành, đưa vào khai thác Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn; hoàn thành thi công, đang thực hiện điều chỉnh dự án 03 gói thầu xây lắp của Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; đang thực hiện ký hiệp định vay vốn Dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam (phấn đấu khởi công trong quý IV/2025).

Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường. Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (trong đó 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024; 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch. Trong bối cảnh thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024.

Về công tác vận tải, Ngành GTVT công tác vận tải là thước đo quan trọng và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Trong năm 2024, Bộ GTVT tập trung điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt sau khi các Quy hoạch, pháp luật chuyên ngành được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, từ đó đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp hiệu quả, tiện lợi và an toàn, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế, minh bạch và hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của đất nước và xã hội, tăng cường an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải. Với nhiệm vụ điều hành cụ thể, Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao hoạt động vận tải, chất lượng dịch vụ, nhất là các dịp cao điểm Lễ, Tết, du lịch hè, dịp cao điểm học sinh, sinh viên đến trường; trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở GTVT chủ động các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: siết chặt quản lý hoạt động của các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải; kế hoạch, phương án dự phòng phương tiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo TTATGT tại các doanh nghiệp, đơn vị vận tải trên các lĩnh vực; công tác bình ổn giá cước vận tải; hạn chế chậm hủy chuyến trong vận tải hàng không, phối hợp công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, phân luồng giao thông trong mùa mưa bão, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phát hiện xử lý nghiêm xe dù bến cóc, xe hoạt động trá hình tuyến cố định.

Nhằm đa dạng hóa các phương thức vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân trong tình hình mới, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ trên các lĩnh vực đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa

 Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó các ngành: hàng không (+20%), đường bộ (+15,2%), đường thủy (+14,5%), đường biển (+14%), đường sắt (+12%). Vận chuyển hành khách ước đạt 4,7 tỷ lượt hành khách, tăng 11,2% so với năm 2023, trong đó các ngành: hàng không (+5,1%) đường biển (+17%), đường sắt (+16%), đường bộ (+15,3%), đường thủy (+10,1%).

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, chất lượng đời sống, hạnh phúc của nhân dân và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh việc tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, Bộ GTVT tập trung ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trong tình hình mới theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là bảo đảm ATGT trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, các đường ngang đường sắt, các dự án đang thi công, các vị trí hạ tầng hư hỏng do thiên tai, các tuyến vận tải thủy, nhất là từ bờ ra đảo. Hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn bay, an ninh, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm, không xảy ra sự cố hoặc tai nạn đáng tiếc làm ảnh hưởng đến tính mạng của hành khách. Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch các hoạt động tuyên tuyền về an toàn giao thông gắn với chủ đề của Năm An toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; trong đó tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATGT, đặc biệt là Luật TTATGT đường bộ, Luật Đường bộ, tuyên truyền các quy định, quy tắc tham gia giao thông an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Công tác xử lý điểm đen, nhất là điểm đen đường bộ được tập trung thực hiện kịp thời. Với nguồn kinh phí còn hạn chế, đến nay đã xử lý: 15 điểm đen; 11 điểm tiềm ẩn TNGT; 160 vị trí có nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, Bộ GTVT đã thực hiện sửa chữa đột xuất trong năm 2024 để bổ sung các công trình, hạng mục công trình ATGT đối với trên 640 trường học và tiếp tục rà soát xử lý triệt để các vị trí trường học còn bất cập, nguy cơ mất ATGT trong KHBT năm 2025. Bộ GTVT cũng phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch bảo trì KCHT đường sắt năm 2024, trong đó giao nhiệm vụ triển khai chuẩn bị đầu tư công trình nâng cao ATGT tại 184 đường ngang/13 tuyến đường sắt để triển khai thực hiện từ quý I/2025.

Trong năm 2024, toàn quốc xảy ra 23.837 vụ, làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người. So với năm 2023, tăng 855 vụ (3,72%), giảm 889 người chết (-7,48%), tăng 1.578 người bị thương (9,78%).

Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong chức năng quản lý nhà nước của Bộ GTVT nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của hệ thống KCHTGT, góp phần tăng cường đảm bảo ATGT, tuổi thọ của công trình, đảm bảo lưu thông hoạt động vận tải, giảm chi phí xã hội, chính vì vậy, Bộ GTVT thường xuyên chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới cơ chế chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác ngày một tăng cao, đảm bảo tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý, vận hành, khai thác nhằm khai thác tối đa kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Mặc dù nguồn kinh phí bảo trì hằng năm còn hạn chế (chỉ đáp ứng khoảng 40% trung bình các lĩnh vực), để đảm bảo hiệu quả cao nhất nguồn lực của nhà nước, Bộ GTVT đã chủ động rà soát, theo dõi chặt chẽ, đánh giá nhu cầu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, người dân và địa phương, bám sát thông tin qua dư luận xã hội và báo chí để xây dựng, ban hành Kế hoạch bảo trì có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với tổng kinh phí khoảng 20 ngàn tỷ đồng.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được Bộ GTVT chủ động triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó từ sớm, từ xa, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị tổ chức triển khai khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra để thông đường trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư bị cô lập, các trục giao thông chính. Tuy nhiên, trước sự tác động của nhiều cơn bão với cường độ lớn trong năm 2024, đặc biệt là Cơn bão số 3 (Bão Yagi) đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề lên tài sản KCHTGT. Đặc biệt là hệ thống KCHT đường bộ khu vực miền núi phía bắc và đường sắt với mạng lưới rộng khắp, trải dài trên toàn đất nước chịu tác động lũ ống, lũ quét kéo theo sạt lở, đứt đường, xói trôi cầu cống… (riêng các cơn bão năm 2024 vừa qua, ước tính tổn thất cho KCHT đường sắt khoảng 250 tỷ đồng, đường bộ khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng mới cầu Phong Châu chiếm khoảng 635 tỷ đồng).

Bên cạnh các nhiệm vụ của Ngành GTVT, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được triển khai thực hiện khẩn trương, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, làm căn cứ để tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ GTVT tiếp tục được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch cung cấp 100% các TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 82,6% so với tổng số TTHC) trên Cổng Dịch vụ công của Bộ và 308 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ quan Bộ và các Cục trực thuộc (tỷ lệ 100% theo kế hoạch). Đến hết tháng 11/2024, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận và xử lý 248.870 hồ sơ trực tuyến (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023), 2919 hồ sơ trực tiếp; tỷ lệ số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ đạt 47% (95/202 DVC). Ngoài ra, các hệ thống dịch vụ công triển khai đến các Sở GTVT đã tiếp nhận và xử lý 983.135 hồ sơ trên hệ thống.

Với mục tiêu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an ninh, an toàn, giảm TTHC, Bộ GTVT đã hoàn thành 30/54 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; trong đó hoàn thành 08/11 (đạt tỉ lệ 72,7%) nhiệm vụ yêu cầu hoàn thành trong năm 2024, còn 03/11 nhiệm vụ dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Bộ GTVT đang xây dựng 04 bộ CSDL nền tảng dùng chung. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành CSDL kết cầu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đã đạt được một số kết quả về CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện, CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Bộ GTVT cũng đã hoàn thành kho dữ liệu dùng chung  phục vụ kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Hoàn thành nâng cấp nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của Bộ GTVT để chia sẻ, kết nối các dữ liệu chuyên ngành của Bộ GTVT với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến nay, đã có 55,2 triệu dữ liệu của Bộ GTVT được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư thông qua nền tảng, chia sẻ kết nối này.

Bộ GTVT tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Đến nay, đã có 14,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe được tích hợp lên ứng dụng định danh quốc gia VNeID; đã xây dựng phương án, lộ trình hạ tầng liên vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đã phối hợp với Bộ Công an báo cáo Thủ tướng về kế hoạch triển khai định danh tàu thuyền trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia, định danh và xác thực điện tử...

 

Cổng Thông tin điện tử

 

(Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị, mời quý vị nhấn phím F5 để tiếp tục theo dõi)

 

 

 

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)