Khẩn trương khắc phục sự cố sụt trượt trên QL6

Thứ hai, 11/05/2009 07:13 GMT+7
Bộ GTVT vừa tổ chức họp bàn biện pháp xử lý khắc phục các điểm sụt trượt trên QL6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo. Việc xử lý phải được các đơn vị hoàn thành trước mùa mưa bão 2009
Bộ GTVT vừa tổ chức họp bàn biện pháp xử lý khắc phục các điểm sụt trượt  trên QL6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo. Việc xử lý phải được các đơn vị hoàn thành trước mùa mưa bão 2009.  
 
Theo Ban Quản lý Dự án 1 (Bộ GTVT), thời gian qua địa bàn Tây Bắc mưa lớn kéo dài, đặc biệt là cơn bão số 4 đã gây ra lũ quét làm xói, lở ảnh hưởng đến công trình cầu, đường của Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo.  
 
Cụ thể, trên đoạn tuyến này hiện nay xảy ra 2 điểm từ Km 321+286 đến Km 321+500 nền đường bị sụt trượt, nứt gãy, xuất hiện nhiều vết nứt phía taluy dương và taluy âm.  Đỉnh vết sụt phía taluy dương cách mặt đường cũ khoảng 100m, phía taluy âm vết nứt xa mặt đường cũ khoảng 80m..., các nhà dân ở gần phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Còn điểm sụt từ Km 321+618 đến Km 321+813, đoạn tuyến này đã thi công xong nền đường, nhưng do mưa lũ kéo dài tiếp tục bị đứt đường, nền đường bị sụt, chỗ lớn nhất gần 4m, chân cung trượt nằm dưới taluy âm cách  vai đường khoảng 75m. Đánh giá của đơn vị Tư vấn mới nhất, thì đây là điểm trượt sâu, đỉnh trượt nằm phía taluy dương cách QL6 khoảng 5m. Hiện tượng ban đầu là nứt taluy dương, đồng thời nứt chéo tim đường nhựa, tiếp theo mặt đường lún, dốc...  
 
Theo Tư vấn thiết kế, nguyên nhân dẫn đến sụt trượt, do tuyến đường nằm trong khu vực địa hình đồi núi dốc, bị phân cắt bởi hệ thống suối nhánh của lưu vực Sông Đà. Bên cạnh đó, đường nằm trong phần uốn nếp Tây Bắc, chịu ảnh hưởng trực tiếp của đứt gãy Sông Đà, các thành tạo trầm tích bị uốn nếp mạnh. Hơn nữa, QL6 hình chữ L, toàn bộ nền đường nằm trong tầng phủ sét pha lẫn dăm sạn không ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến sụt trượt.  
 
Hiện tại đường mái taluy có độ dốc lớn hơn độ dốc tự nhiên của địa hình, chưa xây dựng được hệ thống thoát nước, nên nước chảy tự do thẩm thấu vào trong đất và chảy về taluy âm cũng gây sụt trượt. Bên cạnh đó, đây là điểm sụt nằm trong khu vực cuối của Tx. Sơn La, phía taluy âm dân cư sinh sống đông, các hộ dân đã san nền, tạo bậc thang làm nhà gây mất cân bằng tự nhiên, mặt khác trong sinh hoạt đời sống của con người làm cho thảm thực vật, địa hình bị phá vỡ, nước mặt gây ra xói lở và ngấm vào đất.  
 
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo giải pháp xử lý để đảm bảo giao thông và ổn định công trình trong mùa mưa bão năm 2009.  
 
Cụ thể: Bước 1, xử lý khẩn cấp taluy dương từ Km 321+286 - Km 321+500 cắt cua hạ tải, gia cố mái taluy dương bằng đá hộc xây kết hợp với khung bê tông, tường chắn, rọ đá và ốp mái. Xử lý thoát nước mái taluy dương theo hệ thống rãnh dọc, bậc nước và cống về vị trí phù hợp thực địa. Điểm số 2 từ Km 321+618- Km 321+813 chỉnh tuyến tránh sụt trược và cải thiện bình đồ, cắt cơ hạ tải, gia cố mái taluy dương bằng đá hộc xây kết hợp với khung bê tông. Đồng thời, xử lý taluy dương theo hệ thống rãnh thoát nước, bổ sung gia cố đầu cống...  
 
Bước 2, kiên cố hoá, ổn định taluy âm các đoạn sụt trượt, đặc biệt đây là điểm sụt trượt có diến biến phức tạp, TEDI cần tổ chức kiểm tra đối thiết kế với hiện trường, yêu cầu bổ sung số liệu khảo sát và nghiên cứu phương án xử lý mái taluy âm nền đường đảm bảo ông định lâu dài trên cơ sở cập nhật các thay đổi tại 2 vị trí sụt trượt đã thi công nền đường theo thiết kế được duyệt, các vết nứt trên mái taluy dương và các mặt trượt..., nhưng phải đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.  
BD
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)