
Sáng 12/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Hai mươi.
UBTVQH đã dành trọn ngày làm việc đầu tiên xem xét Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2008 và tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2009; Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2008, triển khai thực hiện dự toán NSNN, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 và phương án miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; Quyết toán NSNN năm 2007 và Báo cáo giám sát của UB Tài chính và Ngân sách về quản lý, sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ NSNN góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: trong 25 chỉ tiêu được QH quyết định, có tới 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2008 so với tháng 12.2007 chỉ tăng 19,89% (so với số báo cáo QH là 24%); Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41,3% (số báo cáo QH là 39%); Thu ngân sách nhà nước vượt 23,5% so với số báo cáo QH bảo đảm nhu cầu chi phát triển và an sinh xã hội... Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. 4 tháng đầu năm, kinh tế vẫn có tăng trưởng (3,1%) nhưng tốc độ tăng thấp hơn 4 tháng đầu năm 2008 (7,49%); Tốc độ tăng giá trị sản xuất công, nông, lâm nghiệp, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đều giảm so với tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 4, tình hình kinh tế đã có chuyển biến tích cực khá rõ nét ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ cao hơn các tháng đầu năm.
Đánh giá cao hệ thống giải pháp kịp thời, đồng bộ của Chính phủ và công tác triển khai khá khẩn trương, tích cực ở các Bộ, ngành, địa phương, trình bày Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho rằng: nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2009 là tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế và tán thành đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mục tiêu tổng quát về KT-XH năm 2009 thành Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Về đề nghị của Chính phủ giảm GDP năm 2009 từ 6,5% xuống còn 5%, theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền: nếu không tháo gỡ được các “điểm nghẽn” tăng trưởng kinh tế như thủ tục đầu tư rườm rà, chỉ số ICOR quá cao và sớm cụ thể hóa chương trình kích thích kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống các giải pháp kích cầu thì mức tăng trưởng kinh tế 5% vẫn là một thách thức lớn. Mặt khác, mức bội chi ngân sách tối đa Chính phủ đề nghị QH thông qua là 8% cũng thiếu thực tế vì theo tính toán của UB Kinh tế, nếu GDP đạt 6,5% như kế hoạch thì mức bội chi ngân sách đã lên tới 8,3%; Còn nếu GDP chỉ đạt khoảng 5% thì mức bội chi ngân sách sẽ phải lên tới khoảng 9,7%. Do đó, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ cần rà soát, tính toán khả năng thu, chi ngân sách để xác định mức bội chi cần thiết nhằm thực hiện chủ trương kích cầu; Chống suy giảm kinh tế nhưng cũng phải bảo đảm tính hợp lý và nhu cầu, khả năng thực tế của nền kinh tế. Liên quan đến mức bội chi ngân sách, Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2008, triển khai thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2009 của UB Tài chính và Ngân sách đề nghị QH chỉ nên quyết định mức bội chi ngân sách năm 2009 không vượt quá 7% GDP. Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng mức bội chi như vậy là có thể chấp nhận được; Đồng thời phải tiếp tục tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tốt các nguồn thu, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, cơ cấu lại các khoản chi, chuyển dần sang cơ chế thị trường, giảm bao cấp của Nhà nước; Sử dụng tích cực số tăng thu ngân sách Trung ương năm 2008 chuyển sang, nguồn tiền nhàn rỗi tại Kho bạc Nhà nước, quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, quỹ bảo hiểm xã hội, cổ phần hóa... để giảm sức ép vay bù đắp bội chi NSNN năm 2009.
Các Ủy viên UBTVQH đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Theo Báo cáo giám sát của UB Tài chính và Ngân sách về quản lý, sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ NSNN: Chính phủ có cơ sở pháp lý để thực hiện gói kích cầu theo Nghị quyết số 21/2008/QH-12 của QH cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh miễn, giảm, giãn thuế với các doanh nghiệp gặp khó khăn; Khoản 3 Điều 38 của Luật Ngân sách Nhà nước về sử dụng dự trữ ngoại hối và Khoản 7 Điều 59 Luật NSNN về tạm ứng từ nguồn NSNN và một số chính sách khác thuộc thẩm quyền của QH... Tuy nhiên, nguồn lực sử dụng cho gói kích cầu là rất lớn (khoảng 8 tỷ USD và 1 tỷ USD bảo lãnh vốn vay); Các nguồn lực này lại được phát sinh từ các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia có tác động rất lớn đến nền kinh tế, các tầng lớp dân cư; Đồng thời có tác động qua lại, tạo xung lực và cộng hưởng ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Hơn nữa, gói kích cầu của Chính phủ có nhiều khoản thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH nên các Ủy viên UBTVQH yêu cầu Chính phủ phải có một báo cáo toàn diện trước QH về cơ sở pháp lý, đối tượng thụ hưởng, hiệu quả và những tác động đối với nền kinh tế cả về lợi ích cũng như hạn chế để QH xem xét, quyết định ngay tại Kỳ họp thứ Năm.
Đa số Ủy viên UBTVQH cũng tán thành quan điểm của UB Tài chính và Ngân sách về thời hạn của các giải pháp cụ thể trong gói kích cầu hiện nay là quá dài và nếu không giám sát chặt chẽ thì sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Các Ủy viên UBTVQH đặc biệt lưu ý về nguy cơ tái lạm phát sẽ là hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả và hiện nay đã có những dấu hiệu của nguy cơ nền kinh tế bị rơi vào vòng xoáy lạm phát, suy thoái, kích cầu và lạm phát trở lại do chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa được nới lỏng cả về phạm vi và thời gian. Kết luận nội dung thảo luận trên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng đã yêu cầu các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phát triển nền kinh tế hậu suy giảm kinh tế, kể cả việc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu các doanh nghiệp, tránh tình trạng lúng túng, bị động trong công tác điều hành như thời gian qua.
Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007. Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính và Ngân sách đánh giá: tình hình tài chính, ngân sách nhà nước đã được phản ánh ngày càng sát thực tế; Công tác quản lý tài chính, NSNN chuyển biến theo hướng tích cực, hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài chính từng bước được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện, chặt chẽ và khá phù hợp với tình hình thực tiễn; Ý thức tuân thủ của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong điều hành, chấp hành các quy định về quản lý sử dụng tài chính NSNN cũng được nâng lên, bước đầu khắc phục một số tồn tại đã nêu trong Nghị quyết của QH về quyết toán NSNN năm 2006 và những năm trước. Tuy nhiên, theo các Ủy viên UBTVQH thì những vướng mắc chủ yếu trong điều hành ngân sách vẫn chậm được khắc phục như: Công tác lập và quyết định dự toán thu, chi NSNN ở một số Bộ, ngành và địa phương chưa sát thực tế; Công tác lập, quyết định dự toán thu chi NSNN chưa sát thực tế; Đầu tư xây dựng cơ bản vẫn dàn trải, phân tán, thi công kéo dài gây lãng phí, hiệu quả thấp; Chi thường xuyên vẫn còn lãng phí, sai chế độ quy định, không đúng mục đích, kỷ luật tài chính chưa nghiêm; Sử dụng nguồn vốn dự phòng và tăng thu chưa đúng hoặc sai quy định có xu hướng gia tăng; Số kết dư ngân sách địa phương và chi chuyển nguồn sang năm sau lớn, tiếp tục tăng cao trong khi bội chi NSNN và dư nợ của ngân sách cấp tỉnh lớn làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả sử dụng NSNN.
Người đại biểu nhân dân