Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 1/2009: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất

Thứ năm, 05/02/2009 08:26 GMT+7
Trong hai ngày 3 và 4/2/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2009. Tại phiên họp đầu năm này, các thành viên Chính phủ đã nghe một số báo cáo quan trọng, thảo luận sôi nổi về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu năm 2009 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước thời gian tới.
Trong hai ngày 3 và 4/2/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2009. Tại phiên họp đầu năm này, các thành viên Chính phủ đã nghe một số báo cáo quan trọng, thảo luận sôi nổi về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu năm 2009 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước thời gian tới.
 
Trong chương trình phiên họp, các báo cáo về tình hình thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài, đề án an ninh lương thực, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cũng như báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, thị trường trong nước và xuất nhập khẩu tháng 1/2009 được các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận.
 
Đối mặt với khó khăn, thách thức ngay từ tháng đầu năm 2009
 
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày tại phiên họp nêu rõ, tuy một số sản phẩm chủ yếu như dầu thô, điện, nước sạch… giữ được mức tăng trưởng khá nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên cả nước trong tháng 1/2009 giảm tới 4,4% so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2009 tiếp tục bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, bên cạnh đó có ảnh hưởng do các cơ sở sản xuất ngừng hoạt động trong thời gian nghỉ Tết nguyên đán. Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết cổ truyền, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2009 tăng 0,32% so với tháng trước. Trong đó, hầu hết giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng ở mức trên dưới 1%.  Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng đầu năm 2009 ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 19% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2008. Việc kim ngạch xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nên hoạt động xuất, nhập khẩu hiện nay rất khó khăn. Theo số liệu thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua cũng giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước…
 
Các thành viên Chính phủ thống nhất với nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn, số lượng công nhân mất việc làm dự báo có thể xảy ra ở các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản… Một số kiến nghị cụ thể được đưa ra như, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, duy trì sản xuất trong nước; đẩy mạnh hoàn thiện các dự án và công trình đầu tư xây dựng cơ bản đưa vào sản xuất để gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp…
 
Một số ý kiến đề nghị lập kinh phí dự phòng để đào tạo và nâng cao tay nghề ngay trong thời gian người lao động  mất việc làm. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các chương trình hành động của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn vốn kích cầu, đẩy mạnh sản xuất …
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong tháng đầu năm việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại... đã được triển khai một cách đồng bộ, tích cực. Thủ tướng Chính phủ cũng giao rõ trách nhiệm cho các vị Bộ trưởng – Tư lệnh ngành theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm ngay từ tháng đầu năm.
 
Để duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát từng mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như dầu thô, dệt may, da giày, cơ khí, điện tử... chỉ ra khó khăn cụ thể và có giải pháp hỗ trợ, đồng thời quan tâm đến việc tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan quyết liệt kiểm tra đôn đốc, thúc đẩy việc hỗ trợ vốn cho các dự án, công trình. Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn đến lãi suất, tỷ giá, cán cân thanh toán, an toàn hệ thống... để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước mắt, cần đẩy mạnh thực hiện việc hỗ trợ 4% lãi suất để chủ trương của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.
 
Về an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ lao động mất việc làm tại các địa phương. Thực hiện triệt để các chính sách đã ban hành về giáo dục, y tế, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, sinh viên. Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy tích cực công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng sự đồng thuận cao trong xã hội và lưu ý  các địa phương, Bộ, ngành chức năng quản lý, tổ chức lễ hội đầu năm an toàn, tiết kiệm.
 
Quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng hiệu quả đầu tư
 
Đây là vấn đề được các thành viên Chính phủ  quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến. Báo cáo về tình hình thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài 3 năm 2006-2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009-2010 do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trình bày cho thấy,  trong 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 đầu tư nước ngoài FDI tăng mạnh mẽ cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký. Ngay trong điều kiện không thuận như năm 2008, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng đột biến đạt trên 64 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2007. Như vậy, tính chung giai đoạn 2006-2008 vốn thực hiện của khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đã đạt khoảng 23,6 tỷ USD, bằng 94,4% mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006-2010. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong 3 năm qua đã khẳng định kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư –kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên lĩnh vực thu hút đầu tư còn  tồn tại những bất cập như, hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh thiếu đồng bộ và nhất quán giữa các luật chung và luật chuyên ngành. Vì vậy trên thực tế gây nhiều khó khăn cho việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
 
8 giải pháp cơ bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra nhằm thu hút đầu tư trong thời gian tới được các thành viên Chính phủ thống nhất cao.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh phát huy sức mạnh nội lực trong phát triển kinh tế cần chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện báo cáo định hướng thu hút đầu tư, trong đó chú trọng lựa chọn đầu tư như: ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao; dịch vụ giá trị gia tăng cao, sản xuất sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, đồng thời sử dụng đất hợp lý và  bảo vệ môi trường.
 
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước
 
Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2008 của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định vai trò chủ đạo phát triển kinh tế-xã hội của các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước hiện nay. Với 94 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đóng vai trò đầu tàu đối với kinh tế nhà nước, hiện chiếm tới 40% GDP cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa đã góp phần ổn định và chủ động ngân sách nhà nước, tạo công việc làm cho hàng triệu lao động.  Năm 2008 tổng doanh thu của 94 Tập đoàn và Tổng công ty này ước đạt trên 1.044 tỷ đồng, bằng 118% kế hoạch và tăng  trên 30% so với thực hiện  năm 2007. Các thành viên Chính phủ nhất trí cần tiếp tục xác định vai trò đầu tàu của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trên cơ sở rà soát để sắp xếp và có kế hoạch đầu tư phát triển bền vững.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với báo cáo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là vai trò quan trọng trong năm 2008 đầy khó khăn, thách thức vừa qua. Thủ tướng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục ngay, đó là, cần xác định rõ vai trò đại diện chủ sở hữu và quan tâm đến cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý cho phù hợp thực tế.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá khách quan những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và chưa hiệu quả, báo cáo Chính phủ và trình Bộ Chính trị có kế hoạch xử lý dứt điểm.
 
Cũng trong phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày và cho ý kiến về Đề án an ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020 nhằm đảm bảo diện tích đất trồng lúa, cây màu, đối phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng một cách bền vững nhu cầu lương thực, thực phẩm, trong mọi tình huống. Về việc cân đối sản xuất lương thực và cân bằng sinh họ, trình độ tổ chức sản xuất, vai trò khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp… Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục hoàn thiện và soạn thảo thành nghị quyết báo cáo Chính phủ, đồng thời trình Bộ Chính trị quyết định./.
Cổng TTĐT Chính phủ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)