Gian nan chống ùn tắc, tai nạn giao thông ở Hà Nội

Thứ sáu, 20/03/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện mỗi ngày Hà Nội đăng ký mới khoảng 800 xe máy. Như vậy, mỗi tháng thành phố có thêm gần 20 nghìn xe máy tham gia giao thông (chưa kể xe ô-tô). Trong khi đó, diện tích đường giao thông trong nội thành gần như không tăng, thêm vào đó là một bộ phận người dân tham gia giao thông ý thức còn kém.
Hiện mỗi ngày Hà Nội đăng ký mới khoảng 800 xe máy. Như vậy, mỗi tháng thành phố có thêm gần 20 nghìn xe máy tham gia giao thông (chưa kể xe ô-tô). Trong khi đó, diện tích đường giao thông trong nội thành gần như không tăng, thêm vào đó là một bộ phận người dân tham gia giao thông ý thức còn kém.

 
Ðó chính là nguyên nhân khiến Hà Nội có tới 91 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Giải quyết tình trạng này, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường trọng điểm.

 
Ở vào thời điểm khi Hà Tây sáp nhập về Thủ đô Hà Nội lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Ðường Hà Nội không chỉ ùn tắc vào giờ cao điểm mà vào tất cả các thời điểm trong ngày. Lực lượng CSGT không được tăng cường về quân số, địa bàn thành phố lại rộng, nên dù cán bộ, chiến sĩ CSGT thay nhau đứng chốt tại các ngã ba, ngã tư, ngã bảy... cũng rất khó cải thiện tình hình. Theo Thượng tá Khuất Duy Kiều, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội: "Ðể có thể giảm ùn tắc giao thông và tai nạn, Ban Giám đốc Công an thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong phân luồng giao thông, khoán địa bàn, các tuyến đường cho các đội phụ trách giao thông của Phòng PC26 tại công an các quận, huyện. Nhờ việc giao khoán cụ thể chỉ tiêu làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông cùng với việc kiểm tra sát sao của Ban Giám đốc, chỉ huy phòng CSGT và trưởng công an các quận, huyện tình hình giao thông ở Hà Nội đã có chuyển biến đáng kể".

 
Ðáng chú ý, tại nhiều đơn vị cơ sở đã có cách làm sáng tạo bằng cách: ngoài lực lượng CSGT, công an các phường còn huy động cả lực lượng tự quản, dân phố, dân phòng tham gia giữ gìn trật tự giao thông tại nhiều tuyến phố. Thượng tá Bùi Văn Ðại, Phó trưởng Công an quận Ðống Ða cho biết: "Tại các tuyến đường Khâm Thiên, Thổ Quan, Ô Chợ Dừa, Nam Ðồng, Hàng Bột nhờ có sự tham gia tích cực của lực lượng tự quản phường, lực lượng sinh viên tình nguyện của một số trường đại học đã làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường, điển hình là đường Khâm Thiên".

 
Nhìn trên bản đồ Hà Nội, tuyến phố Khâm Thiên là trục đường chính nối quận Ðống Ða với các quận trong thành phố, trong khi nút giao thông Ðại Cồ Việt chưa thi công xong nên lượng người và xe cộ qua đây rất đông. Những năm trước, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Còn từ thời điểm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì mật độ phương tiện qua lại trên phố này tăng gấp hai lần. Ðường thì vẫn vậy, không được mở rộng, hạ tầng cơ sở còn hạn chế, trên tuyến đường lại có nhiều ngõ ngách thông như Văn Chương, ngõ chợ Khâm Thiên, ngõ 98 và có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua... ước tính trung bình mỗi giờ đồng hồ có khoảng 600 lượt xe qua lại trên tuyến phố này; rồi ý thức người tham gia giao thông kém nên ùn tắc thường xuyên xảy ra (trung bình mỗi lần tắc đường kéo dài tới hai giờ, nhất là vào giờ cao điểm). Ðể chống ùn tắc, công an phường và lực lượng tự quản đã phải thường xuyên "Ðánh vật" vất vả lắm mới có thể điều phối giao thông, giải tỏa ách tắc.

 
Trung tá Phùng Mạnh Tấn, Phó trưởng Công an phường Khâm Thiên giãi bày: "Phường có 18 cán bộ, chiến sĩ, chỉ có hai biên chế cảnh sát làm an ninh trật tự. Cũng mừng là có sự tham gia nhiệt tình của 12 đồng chí trong đội tự quản giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến đường Khâm Thiên chỉ dài ngót một km, nên công an phường cũng bớt phần nào vất vả". Vào những giờ cao điểm, sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút và chiều từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ luôn có tám đồng chí trong đội tự quản cùng công an phường bám đường phân luồng, phân tuyến giao thông, nhắc nhở bà con chấp hành tốt Luật Giao thông, đi đúng phần đường để tránh ùn tắc. Thực tế, trang bị của lực lượng tự quản đơn sơ chỉ có còi và cây gậy. Trong bộ đồng phục tự quản, các cán bộ tự quản đứng đúng vị trí phân công chuyên cần làm nhiệm vụ. Lực lượng tự quản đã tạo thành những hàng rào phân cách trên đường điều phối để người, xe đi lại đúng phần đường, khi tắc đường kiên quyết không để tình trạng mọi người "mạnh ai nấy đi" chen và lấn đường tạo cảnh hỗn loạn thêm ách tắc.

 
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng Tự quản phường Khâm Thiên kể: "Tổ tự quản hình thành từ năm 2001, trên cơ sở tự nguyện của những người dân nhiệt tình trong phường. Việc giải tỏa ùn tắc tuy vất vả trong điều kiện thường xuyên hít bụi, hơi xăng bốc lên nồng nặc, dãi nắng dầm mưa, thổi còi rát cổ... nhưng hễ xảy ra ách tắc là có mặt chúng tôi. Hiện mức lương khiêm tốn của mỗi người chỉ 900.000 đồng/tháng do UBND quận trả, Nhà nước chưa có chế độ chính sách cấp trang phục, thù lao, chế độ khi xảy ra ốm đau, bị chống trả... nhưng anh em không ngại khó, ngại khổ". Anh Tuấn khoe: "Vất vả là vậy, nhưng cũng vui vì đoạn đường do chúng tôi tự quản không còn ách tắc". Ðó là chưa kể những ngày lễ Tết, những ngày mọi người đổ xô ra đường ăn mừng chiến thắng bóng đá, anh em phải làm thêm giờ, còn ngày thường 12 người thay phiên nhau làm từ sáng đến 23 giờ đêm. Tâm lý ai cũng muốn đi về nhà nhanh nên đã xảy ra những cảnh tượng đi lại rất lộn xộn, do vậy lực lượng tự quản phải từ tốn nhắc nhở để mọi người nhường nhịn nhau, không đi lấn phần đường người khác. Những việc làm tâm huyết của họ chiếm được cảm tình của nhiều người đi đường, hầu như mọi người chấp hành theo sự chỉ dẫn của lực lượng tự quản, hãn hữu mới xảy ra chống đối, phản kháng của số ít những người đi đường vô ý thức. Anh em còn nhắc nhở bà con bán hàng trên dọc tuyến không để xe máy ra đường, không được bán hàng rong trên tuyến phố, không lấn chiếm lòng lề đường để đường thông, hè thoáng...

 
Hiện mô hình lực lượng tự quản tham gia giữ gìn TTATGT đang được nhân rộng trong toàn quận Ðống Ða. Theo thống kê của Công an thành phố trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu tai nạn giao thông ở Thủ đô giảm cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Riêng tháng 2, toàn thành phố giảm 24 vụ tai nạn giao thông và 24 người chết. Số vụ ùn tắc giao thông được kiềm chế, nhiều điểm không ùn ứ kéo dài trên diện rộng như trước đây. Trong số 10 vụ ùn tắc thì có bốn vụ là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đột biến, còn lại là do các nguyên nhân: phương tiện tham gia giao thông chết máy, nổ lốp và hỏng đèn tín hiệu giao thông.

 
Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng theo Thượng tá Khuất Duy Kiều: "Năm 2009, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: giảm tai nạn giao thông 10%; giảm ùn tắc giao thông không để kéo dài trên diện rộng; không để xảy ra đua xe trái phép và bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, hoạt động của các đoàn ngoại giao và xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh". Thời gian tới, lực lượng CSGT Hà Nội tập trung xử lý mạnh các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đỗ xe không đúng phần đường; lắp đặt ca-mê-ra tại nhiều tuyến phố để giám sát các lỗi vi phạm; phối hợp Ðài Tiếng nói Việt Nam thông báo kịp thời các điểm ùn tắc giao thông...
nguồn nhanda.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)