Bến Tre: Lại nói về tai nạn giao thông
Thứ sáu, 01/07/2011 00:00
Nổi lên trong tình hình trật tự xã hội ở tỉnh Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2011 là tai nạn giao thông tăng cao. Riêng tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra 76 vụ (tăng 7 vụ, tăng 10% so cùng kỳ năm 2010) làm chết 84 người (tăng 8 người, tăng 10% so cùng kỳ), làm bị thương 37 người (giảm 22% so cùng kỳ).
Nổi lên trong tình hình trật tự xã hội ở tỉnh Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2011 là tai nạn giao thông tăng cao. Riêng tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra 76 vụ (tăng 7 vụ, tăng 10% so cùng kỳ năm 2010) làm chết 84 người (tăng 8 người, tăng 10% so cùng kỳ), làm bị thương 37 người (giảm 22% so cùng kỳ).
Cơ quan chức năng đã khởi tố 48 vụ với 46 bị can tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tăng 16 vụ so cùng kỳ. Đây là loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 78%) trong nhóm tội phạm về an toàn công cộng và quản lý hành chính.
Tai nạn giao thông tăng cao có nguyên nhân khách quan là lưu lượng phương tiện giao thông trên đường tăng nhanh. Riêng năm 2010, trong tỉnh Bến Tre đã tăng thêm 1.256 xe ô-tô và 46.914 xe mô-tô các loại. Tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, Trà Vinh được nối liền bằng cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, phà Cổ Chiên nên phương tiện giao thông ngoài tỉnh đi ngang qua tỉnh cũng tăng. Trong khi đó, mặt đường chưa được mở rộng để đáp ứng yêu cầu đi lại. Tuy nhiên, chúng ta không đổ lỗi cho khách quan, bởi vì thực tế trong những năm qua khi nào các ngành, các cấp tập trung phòng, chống tai nạn giao thông thì số vụ tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Tỉnh ủy khóa VIII xác định phòng, chống tai nạn giao thông là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện nên đã kéo giảm tai nạn giao thông. Nhưng nhược điểm là chúng ta chưa thực hiện được dài hơi, liên tục và chưa làm tốt các giải pháp cơ bản để ổn định vững chắc tình hình trật tự, an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ.
Để phòng ngừa tai nạn giao thông, yếu tố cơ bản nhất là nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông; trong đó có 2 nội dung chủ yếu là không chạy nhanh quá tốc độ qui định và không uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do phóng nhanh, ượt ẩu. Chiếm khoảng 70% số vụ gây ra tai nạn giao thông là người vi phạm có men rượu. Giáo dục về ý thức chấp hành luật giao thông cần tập trung đậm vào 2 vấn đề nêu trên. Đối tượng vi phạm qui định an toàn giao thông phần nhiều là ở lứa tuổi thanh niên. Do đó, vai trò của tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, của nhà trường và của cha mẹ thanh, thiếu niên rất quan trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tập trung nhiều hơn cho phục vụ nhiệm vụ an toàn giao thông với các tin, bài, hình ảnh thể hiện sinh động, đi vào lòng người. Các cuộc sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, các đoàn thể chính trị xã hội không thể thiếu nội dung về giáo dục an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang phải gương mẫu trong việc chấp hành luật giao thông.
Lực lượng chức năng cần tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra, đứng chốt để giữ gìn trật tự giao thông; không bỏ sót các hành vi vi phạm qui định về an toàn giao thông để nhắc nhở và xử phạt nghiêm; củng cố, bổ sung cho đủ biên chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ, trang bị phương tiện, có chế độ, chính sách hợp lý để lực lượng bảo vệ an toàn giao thông đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hệ thống cầu đường phải được chỉnh trang, sửa chữa để bảo đảm an toàn giao thông; phát quang tạo thông thoáng, bảo đảm tầm nhìn của người đi đường; lắp đặt đầy đủ các biển báo giao thông, xác định các đoạn đường thường xảy ra tai nạn để kiên quyết khắc phục các hạn chế của đoạn đường đó. Các phương tiện lưu thông trên đường cần được kiểm tra thường xuyên để các bộ phận hoạt động tốt, bảo đảm an toàn giao thông.
Cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện nhiệm vụ an toàn giao thông; trong đó lực lượng nòng cốt cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình, quyết tâm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông ở các địa bàn thường xảy ra tai nạn. Làm sao để 6 tháng cuối năm 2011 kéo giảm nhanh số vụ tai nạn giao thông đường bộ và tạo được các yếu tố cơ bản để ổn định tình hình bền vững.
Trungna (theo baodongkhoi)
Anh Trung