Đồng Nai: Trên 90% số vụ tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người đi đường

Thứ ba, 05/07/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong tháng 6-2011, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ, số người chết vẫn còn cao. Với trung bình mỗi ngày có hơn một người chết vì TNGT, đây là điều đau xót và đáng lo của mọi người.
Trong tháng 6-2011, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ, số người chết vẫn còn cao. Với trung bình mỗi ngày có hơn một người chết vì TNGT, đây là điều đau xót và đáng lo của mọi người.
* Nguyên nhân vì đâu?
Trong 6-2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 68 vụ TNGT, làm chết 32 người, bị thương 75 người. So với tháng 5-2011, TNGT tăng trên 11% số vụ, số người chết ngang bằng và số người bị thương chỉ giảm gần 3%. Qua thống kê cho thấy, tai nạn xảy ra do lỗi chủ quan của người đi đường chiếm trên 90% số vụ TNGT.
Trong các nguyên nhân gây TNGT chết người, tình trạng người điều khiển xe lấn trái gây tai nạn chiếm tỷ lệ khá cao. Có đến 10 vụ TNGT xảy ra hoàn toàn do người điều khiển xe máy lấn trái gây ra. Trên các tuyến đường giao thông, người ta thường thấy tình trạng thanh niên điều khiển xe máy “đua” tốc độ với xe ô tô và họ sẵn sàng lấn trái để vượt lên trước. Tuy hành vi này chỉ xảy ra vài mươi giây nhưng rủi ro gây TNGT rất cao. Bên cạnh đó, nhiều vụ TNGT xảy ra còn xuất phát từ nguyên nhân người lái ô tô, xe máy không đảm bảo khoảng cách an toàn và thiếu chú ý quan sát. Đã có 10 trường hợp người lái ô tô, xe máy gây chết người vì nguyên nhân này. Như lúc 21 giờ 30 ngày 8-6, N.T.H. (20 tuổi, ở ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) điều khiển xe máy chở N.H.P. (46 tuổi) trên quốc lộ 1A, hướng từ Bình Thuận về Đồng Nai. Đến đoạn Km1785 (thuộc ấp 1, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), do thiếu chú ý quan sát nên H. đã để xe đâm vào xe tải 52Z- 23… đang đậu bên lề đường gây tai nạn. Hậu quả vụ TNGT làm cả H. và P. đều chết ngay sau đó. Việc thiếu chú ý quan sát cũng là nguyên nhân gây TNGT đường sắt chết một lúc 3 người vào ngày 7-6 ở huyện Trảng Bom…
Trong cuộc vận động thực hiện văn hóa giao thông (do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động) có nội dung “nhường nhịn nhau khi đi đường là thể hiện văn hóa giao thông” rất phù hợp với tình hình giao thông phức tạp hiện nay. Thế nhưng, đã có đến 12 vụ tai nạn chết người có nguyên nhân do người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, bất ngờ sang đường, trong ngõ ra không nhường đường. Trong đó, có đến 4 người lái ô tô vượt ẩu, 5 người đi bộ bất ngờ qua đường và không nhường đường, còn lại 3 vụ do người đi xe máy tranh vượt và không nhường đường. Ngoài ra, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường - làn đường, chuyển hướng sai luật cũng là những nguyên nhân gây tai nạn chết người trong thời gian qua.
* Làm gì để đi đường an toàn hơn?
Qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đề xuất biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, giảm thiểu TNGT bằng cách tăng cường xử lý các vi phạm như: chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt sai, lấn tuyến, đi sai phần đường - làn đường. Thời điểm tập trung xử lý từ 12-24 giờ, là thời gian xảy ra đến trên 95% vụ TNGT chết người trong ngày. Lãnh đạo Đội CSGT TP.Biên Hòa cho biết, thời điểm này đang vào mùa hè nên có nhiều thanh niên, học sinh rảnh rỗi tham gia vui chơi trên đường. Do vậy, lực lượng CSGT thành phố đã có kế hoạch phòng, chống đua kéo mô tô, xe máy để bảo đảm an toàn cho đường phố. Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cũng đề ra những biện pháp trong thời gian tới như: tiếp tục tuyên truyền về “xây dựng văn hóa giao thông” của người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải và người thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; tuyên truyền về quy tắc giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên biết nhường nhịn nhau khi đi lại trên đường; quy định nồng độ cồn với người lái xe; tốc độ quy định của xe cộ; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; thắt dây an toàn khi đi ô tô và quy định sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe hai bánh, ba bánh…
Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh, vấn đề chủ yếu (để tránh TNGT) là ý thức của người lái xe. Do vậy, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cần chú ý giáo dục về đạo đức của người cầm lái, thể hiện văn hóa giao thông khi cầm lái. Hiện nay, CSGT tỉnh đang thực hiện chuyên đề kiểm tra phát hiện nạn sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả. Trong hai tuần cuối tháng 6-2011, CSGT tỉnh đã phát hiện 19 trường hợp sử dụng GPLX giả, chủ yếu là của người điều khiển xe máy. Trong công tác xử lý vi phạm giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố cũng chú ý phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX giả.
Hy vọng, các biện pháp đề ra sẽ được thực hiện đạt kết quả cao để giảm thiểu hơn nữa TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trần Tiềm (theo baodongnai)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)