Hai năm trở lại đây, nhờ có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của anh thương binh giàu nghị lực Vi Văn Nước- Giám đốc Công ty cổ phần xe buýt Non Nước mà các tuyến đường: Thành phố Lạng Sơn- Tân Thanh và Thành phố Lạng Sơn- Lộc Bình đã có xe buýt đưa đón khách.
Hai năm trở lại đây, nhờ có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của anh thương binh giàu nghị lực Vi Văn Nước- Giám đốc Công ty cổ phần xe buýt Non Nước mà các tuyến đường: Thành phố Lạng Sơn- Tân Thanh và Thành phố Lạng Sơn- Lộc Bình đã có xe buýt đưa đón khách. Phải khẳng định, đó là điều tiến bộ đáng mừng, góp phần cho nhân dân, cán bộ, giáo viên đi lại dễ dàng, thuận tiện. Song, điều bài viết này muốn đề cập là thái độ ứng xử, hoặc nói cách khác, đó là văn hoá ứng xử của những người thường xuyên đi trên xe buýt!
Trước hết, nói về chỗ ngồi. Tôi là người thường xuyên có mặt trên xe buýt đến nơi làm việc. Do đặc thù công việc nên tôi thường đi chuyến xe 6h tuyến Thành phố Lạng Sơn- Lộc Bình và 17h Lộc Bình- Thành phố Lạng Sơn. Đây có lẽ cũng là các chuyến xe có lượng khách đông nhất trong ngày, vì chuyến này phù hợp với giờ để cán bộ, công chức Nhà nước đi làm, các thầy cô giáo đi dạy buổi sáng và tan tầm làm việc buổi chiều. Xe xuất bến, qua ngã tư Cao Lộc, chợ đêm Kỳ Lừa, ... khi đến đường rẽ về hướng Lộc Bình thường đã rất đông hành khách. Lúc này khách lên xe may mắn lắm mới có ghế ngồi, thường thì phải ngồi ghé vào các hàng ghế vốn chỉ là hai chỗ ngồi, nếu hành khách có sự thông cảm lẫn nhau thì có thể ngồi được ba người, tuy có hơi chật một chút! Khách lên xe chưa tìm được chỗ ngồi thì xe đã chạy, các phụ xe (tuổi đời còn rất trẻ) nhã nhặn nhắc nhở khách: Chú (cô, bác) ngồi ghé vào ghế bên giúp cháu! Một số hành khách may mắn lên xe trước, có chỗ ngồi và gần người vừa lên xe nhất vẫn dửng dưng, không ai có ý định dịch vào cho người mới lên xe ngồi ké (kể cả phụ nữ bế con nhỏ), nếu như người khách lên sau chưa mở lời xin tha thiết: “Em làm ơn ngồi dịch vào, cho tôi ngồi nhờ với!” Hoặc phụ xe phải lên tiếng nhắc. Khi đó, họ miễn cưỡng nhúc nhíc “tấm thân ngà ngọc” chút ít gọi là có, để người đồng hành kém may mắn ngồi. Vì chỉ được ngồi ghé nửa mông, cho nên hai chân phải trụ thật vững, tay phải bám vào thành ghế trước cho chắc. Có người đã không chịu được, đành phải đứng lên vịn vào thành ghế vậy. Được biết, những hành khách “may mắn” trên đều là những “nam thanh- nữ tú” cả! Phần lớn họ là các thầy giáo, cô giáo dạy ở trường huyện.
Thứ hai, chuyện phiếm trên xe. Đành rằng tự do ngôn luận là quyền của mỗi người nhưng “cậy” phe ta đông người mà “chiếm lĩnh diễn đàn” trên xe gần một tiếng đồng hồ, không đếm xỉa gì đến xung quanh thì có nên không? Họ tranh luận, thao thao bất tuyệt trên xe buýt. Nội dung câu chuyện xoay quanh chủ đề nghề nghiệp: Học sinh, đồng nghiệp, công việc rồi trêu ghẹo nhau. Họ đánh giá, so sánh mức độ thông minh của học sinh ở xã với học sinh thị trấn và học sinh thành phố (điều tối kỵ là trên xe còn có một số em học sinh cấp III ở các xã Xuân Lễ, Bằng Khánh, các em nghe được nội dung câu chuyện sẽ nghĩ gì về thầy giáo, cô giáo của mình?) Họ đánh giá công suất làm việc tại các loại trường, sự cạnh tranh nghề nghiệp... Họ đưa ra kết luận: Dạy trường huyện cũng được, mặc dù phải đi xa nhưng nhàn hạ hơn! Đành rằng cũng phải thông cảm cho tuổi trẻ vốn hay thể hiện mình trước đám đông, vốn hay bốc đồng nhưng thiết nghĩ, những câu chuyện như vậy chỉ phù hợp với không gian riêng của những người đồng nghiệp, đồng trang lứa, chứ không nên bắt hành khách trên xe trở thành thính giả bất đắc dĩ như vậy! Tôi đã vô tình nghe được tâm sự của hai giáo viên trẻ mới ra trường, nói là tâm sự nhưng thực ra là nói cho nhiều người nghe: “Dạy các trường thành phố bon chen ghê lắm, em thì chẳng cần, dạy ở đâu cũng được. Vì với em nghề dạy học chỉ là nghề tay trái!” Tôi ngạc nhiên nghĩ: “Ô hay, Nhà nước bỏ kinh phí ra đào tạo bốn năm mới được một giáo viên có trình độ đại học mà nghề dạy học lại không phải nghề chính, vậy nghề gì mới là nghề “tay phải” của cô giáo đây?!” Theo quan niệm nhiều người, nghề tay trái vốn là nghề làm thêm, nghề phụ làm cho vui, không cần phải bỏ nhiều công sức và tâm huyết, muốn bỏ lúc nào thì bỏ, vì nó không quan trọng như nghề chính! Nghĩ vậy, tôi thấy buồn cho ngành giáo dục biết bao!
Vậy đấy, nếu độc giả nào không tin, có thể bỏ chút thời gian để “ngao du” trên xe buýt một chuyến sẽ thấy chuyện tôi kể là thật trăm phần trăm. Bạn hãy lên xe, lặng lẽ ngồi vào hàng ghế cuối sẽ quan sát được tất cả những điều “thật như bịa” trên xe. Vài lời góp nhặt về những chuyện “mắt thấy tai nghe”, mong rằng bài viết này được lên khuôn, phát hành tới tay bạn đọc để nhiều người cùng đọc và suy ngẫm về văn hoá ứng xử nơi công cộng. Mình hãy vì mọi người, mọi người sẽ vì mình. Ai cũng nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử có văn hoá nơi công cộng chắc chắn góp phần không nhỏ tạo nên một xã hội văn minh, tươi đẹp.
Theo Báo Lạng Sơn.