Quốc lộ 1A đoạn Đà Nẵng – Khánh Hòa: Hành lang ATGT vẫn bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ tư, 29/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quốc lộ 1A, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang (Khánh Hoà) là một trong 4 đoạn trên tuyến QL1A được Thủ tướng Chính phủ chọn làm thí điểm giai đoạn I thực hiện Quyết định 1856QĐ/TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ (TTHLATGTĐB). Khu QLĐB5 đã phối hợp với các địa phương có tuyến đường đi qua ra quân triển khai Quyết đinh này từ ngày 11/4/2008. Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện, tinh hình TTHLATGTĐB trên tuyến vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Quốc lộ 1A, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang (Khánh Hoà) là một trong 4 đoạn trên tuyến QL1A được Thủ tướng Chính phủ chọn làm thí điểm giai đoạn I thực hiện Quyết định 1856QĐ/TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ (TTHLATGTĐB). Khu QLĐB5 đã phối hợp với các địa phương có tuyến đường đi qua ra quân triển khai Quyết đinh này từ ngày 11/4/2008. Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện, tinh hình TTHLATGTĐB trên tuyến vẫn đang có những diễn biến phức tạp.
Theo thống kê mới nhất của Khu QLĐB5 thì QL1A đoạn Đà Nẵng - Khánh Hoà có đến 36.341 công trình vi phạm HLATGTĐB với diện tích mặt bằng 1.484.510 mét vuông. Trong đó, các công trình tồn tại trước ngày 31/12/1999 chiếm 91%. Các địa phương có số lượng vi phạm nhiều là Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Ông Phan Thái, Phó Tổng Giám đốc Khu QLĐB5 cho biết, đợt 1 ra quân lập lại TTHLATGTĐB trên QL1A (từ 11/4/2008 đến 30/6/2008) các đơn vị quản lý đường thuộc Khu đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân sống hai bên đường nhận thức rõ về tầm quan trọng của HLATGTĐB. Đồng thời cưỡng chế giải toả trong phạm vi 7 mét đối với các công trình đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm mà không tự giác tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong HLATGTĐB; quản lý bảo vệ phần HLATGTĐB đã được giải toả và bảo vệ mốc lộ giới... Kết quả tính đến cuối đợt đã giải toả được 2.463 trường hợp vi phạm với diện tích 31.867 mét vuông. Tuy nhiên chủ yếu là lều lán, mái che, còn các công trình nhà cấp 4 trở lên thì rất ít. Ngoài ra đã phá dỡ 26.924 mét tường rào và 24.000 cây xanh. Nếu so với con số vi phạm thì kết quả nói trên là quá ít ỏi.
Tình hình lấn chiếm và tái lấn chiếm HLATGTĐB trên QL1A đoạn Đà Nẵng - Khánh Hoà ngày càng diễn ra phức tạp. Hầu hết những công trình “dã chiến” như lều quán, mái che... sau khi bị giải toả lại tiếp tục mọc lên như cũ. Tại Tuy Phước, phía Bắc cầu Gành (Bình Định), chúng tôi đã hỏi chị Hương bán rượu Bàu Đá bên đường: sao hôm trước bị dẹp rồi bây giờ lại bày ra? Chị hồn nhiên trả lời: “Lúc nào họ (đơn vị quản lý) đến thì tui dẹp vô. Lúc nào họ đi thì tui căng ra bán. Cả nhà tôi năm miệng ăn chỉ nhờ vào cái sạp rượu này thôi anh ơi!”. Như vậy đúng tôi tự hỏi, liệu một tháng lực lượng có trách nhiệm "ghé lại hỏi thăm” được mấy lần? Đã vậy, có một vướng mắc lớn nữa là sự bất nhất trong chế độ đền bù giải toả. QL1A đoạn Đà Nẵng - Khánh Hoà vừa được nâng cấp, mở rộng bằng hai dự án lớn của WB (Đà Nẵng - Quảng Nam) và ADB3 (Quảng Ngãi - Nha Trang). Đối với dự án ADB3 thì phạm vi đền bù giải toả mỗi bên chỉ 02 mét tính từ chân ta-luy đường đắp, đỉnh ta-luy đường đào, hoặc từ mép ngoài rãnh dọc. Vì vậy, ngoài phạm vi đó, chủ công trình lại “chỉnh trang” hoặc xây dựng lại nhà của mình một cách đàng hoàng. Đó là chưa nói đến hàng chục trường hợp được địa phương cấp phép xây dựng ngay trong HLATGTĐB. Nếu không đền bù giải toả và bố trí tái định cư thoả đáng thì khó bề “đẩy” những trường hợp này ra khỏi HLATGTĐB.
Thực ra khó khăn lớn nhất trong lập lại TTHLATGTĐB vẫn là sự phối hợp giữa đơn vị quản lý đường và chính quyền sở tại. Việc triển khai Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ ở một số địa phương như Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đà Nẵng... được tiến hành rất chậm chạp so với kế hoạch. Đường của Trung ương, đất của địa phương, nên chỉ có chính quyền cấp quận, huyện mới có quyền ra quyết định cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm. Một khi địa phương “ngó lơ” việc này thì coi như bế tắc. Hiện có nhiều trường hợp vi phạm HLATGTĐB, đơn vị quản lý đường, Thanh tra GTĐB đã lập biên bản xử lý vi phạm và gửi hồ sơ lên UBND cấp quấn, huyện, nhưng cho đến nay, cấp này vẫn chưa ra quyết định cưỡng chế giải toả. Thậm chí thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh thuộc tỉnh Khánh Hoà; thành phố Quy Nhơn và hai huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định vẫn chưa có quyết định cưỡng chế giải toả các trường hợp vi phạm HLATGTĐB đã được đền bù giải toả.
Kinh phí của Nhà nước chi cho việc thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn I trên QL1A đoạn Đà Nẵng - Khánh Hoà đã lên tới hơn 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên tình hình TTHLATGTĐB tại đây vẫn còn quá nhiều tồn tại và phát sinh. Thiết nghĩ các đơn vị quản lý đường, chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua và các cơ quan đơn vị có liên quan cần phối kết hợp chặt chẽ hơn, thi hành quyết liệt hơn nhằm tránh tình trạng "tiền mất mà tật vẫn mang" như hiện nay.
ĐT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)